|
Theo New York Times, tỷ phú Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc - đang tránh xa ánh đèn sân khấu. Những người thân cận tiết lộ ông dành thời gian để vẽ tranh và tập Thái cực quyền.
Chính quyền Trung Quốc đang đưa hàng loạt tập đoàn công nghệ vào tầm ngắm. Khối tài sản khổng lồ và sức ảnh hưởng của những doanh nghiệp này bị cho là vượt quá giới hạn. Jack Ma, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và công ty fintech (tài chính công nghệ) Ant Group là những mục tiêu lớn nhất của Bắc Kinh.
Nhà chức trách Mỹ và châu Âu đã tìm cách siết chặt quản lý các gã khổng lồ công nghệ trong nhiều năm. Tuy nhiên, họ không thể tạo ra sự thay đổi lớn như những gì xảy ra với nhà sáng lập Alibaba tại Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định các doanh nghiệp phải cam kết đặt sự ổn định xã hội lên trên lợi nhuận.
Nhà sáng lập Tencent Pony Ma (trái) và tỷ phú Jack Ma tại một sự kiện ở Bắc Kinh vào năm 2018. Ảnh: New York Times. |
Chiến dịch "trừng trị" chưa từng có
Chính quyền Bắc Kinh không chỉ siết chặt quản lý Alibaba. Ông Simon Hu, Giám đốc điều hành Ant Group, từ chức vào tháng 3. Chỉ vài ngày sau, nhà sáng lập Pinduoduo Colin Huang rời khỏi ghế chủ tịch.
Cũng trong tháng 3, tại một cuộc họp, nhà sáng lập Pony Ma của Tencent đã đề xuất quy định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp Internet, bao gồm Tencent. Ông còn có một "cuộc họp tự nguyện" với những cơ quan chống độc quyền nước này.
Tuần trước, cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc triệu tập 34 công ty Internet hàng đầu để thảo luận về các quy tắc cạnh tranh công bằng mới. Cuộc thảo luận xoay quanh những thay đổi trong kinh doanh. Các công ty cam kết sẽ nghiêm túc làm theo.
"Những quy định mới sẽ yêu cầu các nền tảng Internet nhìn lại cách họ đổi mới trong tương lai. Và kết quả là sẽ có ít đổi mới hơn", ông Gordon Orr, một thành viên hội đồng quản trị của Meituan, công ty giao hàng thực phẩm của Trung Quốc, bình luận.
Tuy nhiên, New York Times nhận định chính quyền Bắc Kinh sẽ không quá nặng tay với Alibaba và các tập đoàn Internet khác của Trung Quốc. Ngay cả khi thắt chặt giám sát, Bắc Kinh vẫn ca ngợi những đóng góp của nhóm doanh nghiệp này cho nền kinh tế.
Nhà sáng lập Pinduoduo Colin Huang rời khỏi ghế chủ tịch công ty. Ảnh: New York Times. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn nền kinh tế được thúc đẩy bởi sự đổi mới đến từ các tập đoàn công nghệ nước này, thay vì những công ty lớn nước ngoài. "Có thể còn quá sớm để tuyên bố rằng Jack Ma đã thất bại", New York Times bình luận.
"Đối với sự thành công và các hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc, Alibaba quan trọng hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác", chuyên gia Richard McGregor thuộc Viện Lowy bình luận. "Chính quyền Trung Quốc muốn tiếp tục gặt hái những lợi ích từ công ty của Jack Ma, nhưng với điều kiện của họ. Bắc Kinh không quốc hữu hóa Alibaba. Công ty chỉ thu hẹp hoạt động".
“Alibaba hoàn toàn có cơ hội phát triển thành một công ty đẳng cấp thế giới”, ông Wang Guoping, một quan chức tại thành phố Hàng Châu (nơi đặt trụ sở của Alibaba), đưa ra bình luận vào những năm 2000.
“Điều mà một công ty tầm cỡ thế giới cần nhất là tâm hồn, một người chỉ huy, một doanh nhân tầm cỡ thế giới. Tôi tin Jack Ma đáp ứng được những tiêu chuẩn đó", ông nói thêm.
Thay đổi thái độ
Theo ông Porter Erisman, một trong những giám đốc điều hành đầu tiên của Alibaba, vào những năm 2000, hầu hết nhân viên ở Alibaba chỉ cố tìm cách kiếm thật nhiều tiền. Riêng Jack Ma có một mối bận tâm khác. Ông lo ngại rằng một ngày nào đó, công ty sẽ trở nên quá lớn.
Và Alibaba có thể chịu áp lực vì nắm giữ sức mạnh thị trường khổng lồ. Năm 2011, Jack Ma đã hiểu rằng tham vọng của ông có thể khiến các cơ quan quản lý không hài lòng. Ông Ma lặng lẽ tiếp quản Alipay - dịch vụ thanh toán của Alibaba.
Động thái đó khiến một trong những cổ đông lớn nhất của Alibaba - Yahoo - tức giận. Tuy nhiên, theo Jack Ma, đó là hành động cần thiết để đáp ứng các quy định mới của Trung Quốc. Alipay sau này đã trở thành Ant Group.
Khi Alibaba phát triển, Jack Ma bắt đầu gặp gỡ các tổng thống và ngôi sao điện ảnh, được nhiều doanh nhân Trung Quốc ngưỡng mộ. "Điều đó thay đổi quan điểm của Jack Ma về bản thân và chính quyền Trung Quốc", ông Duncan Clark, Chủ tịch của BDA China, bình luận.
Ông Simon Hu, Giám đốc điều hành Ant Group, đã từ chức vào tháng 3. Ảnh: New York Times. |
Khi Jack Ma từ chức chủ tịch Alibaba vào năm 2019, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc bình luận: "Không có cái gọi là kỷ nguyên Jack Ma, chỉ có Jack Ma là một phần của kỷ nguyên này".
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần khu vực tư nhân để duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, họ không muốn khu vực này tạo sức ảnh hưởng quá lớn đến xã hội.
Tháng 10/2020, khi Ant chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), Jack Ma đã chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc tại một hội nghị ở Thượng Hải. Ông mô tả hệ thống ngân hàng Trung Quốc "hoạt động như tiệm cầm đồ." Ngay sau đó, đợt IPO của Ant bị yêu cầu hủy bỏ.
Chính quyền Trung Quốc muốn tiếp tục gặt hái những lợi ích từ công ty của ông Ma, nhưng với điều kiện của họ
Richard McGregor, thành viên cấp cao tại Viện Lowy
"Ở Trung Quốc, thật khó để nói rằng hoàng đế không mặc y phục", ông Kellee S. Tsai tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong bình luận, nhắc đến truyện ngắn "Bộ quần áo mới của hoàng đế".
Ông Ma cũng hiếm khi xuất hiện kể từ đó. Theo nguồn tin của New York Times, vào tháng 1, ông đã có mặt trong một buổi trò chuyện nội bộ. Các nhân viên sau đó chia sẻ thông điệp của ông Ma để trấn an mọi người.
Mới đây, nhóm nghiên cứu Hurun Report (có trụ sở tại Thượng Hải) ước tính rằng lần đầu tiên sau 3 năm, ông Ma không nằm trong nhóm 3 người giàu nhất Trung Quốc.
Vị trí thứ nhất hiện thuộc về ông Zhong Shanshan, tỷ phú kín tiếng đứng sau tập đoàn kinh doanh nước đóng chai và dược phẩm nổi tiếng.
Link nội dung: https://asean24h.net/zing-newstri-thuc-truc-tuyen-13.html