Mỹ: Từ văn hóa thích kiện tới cửa kiếm tiền của các công ty luật

Cùng với văn hóa “thích đi kiện” của người Mỹ, các công ty luật tại nước này cũng thường gõ cửa từng khách hàng “mời kiện” để kiếm hoa hồng.

Quảng cáo “mời kiện” bắt nguồn từ “sở thích lạ” của người Mỹ

Mới đây, một số diễn đàn mạng xã hội lan truyền thông tin hai công ty luật ở Mỹ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd và Pomerantz đang tìm kiếm khách để cùng mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật của Công ty VinFast Auto. Thông tin này được các công ty luật tự quảng bá thông qua cổng thông tin PR Newswire.

1-1700565713.jpg

Tại nhiều quốc gia như Australia, Mỹ… hoạt động quảng cáo để tìm kiếm khách hàng cho các vụ kiện rất phổ biến. Ảnh: littlejohnlawllc

Trả lời báo chí về trường hợp này, Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật Rajah & Tann LCT VN cho hay, hoạt động quảng cáo như trên dù bị cấm ở Việt Nam nhưng khá phổ biến tại Australia, Anh, Mỹ… Công ty luật có thể dựa vào những thông tin đại chúng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đưa ra giả định về việc có vi phạm pháp luật.

“Đây chỉ là giả định của công ty luật nhằm mục đích khuyến cáo, tìm kiếm khách hàng - những nhà đầu tư mà họ giả định có thể là nạn nhân. Không có chuyện VinFast bị kiện tại Mỹ”, ông khẳng định về trường hợp của VinFast.

Thực tế, không chỉ trong các lĩnh vực chứng khoán, kiện tụng theo các chuyên gia được coi là một “sở thích” riêng có của người Mỹ. Ở đất nước của sự tự do và cơ hội, gần như mọi thứ đều có thể đưa ra để kiện tụng, từ việc cốc cà phê quá nóng tới việc một chiếc ghế không cảnh báo trọng lượng tối đa có thể ngồi…

Kiện tụng ở Mỹ giống như việc chơi xổ số: Nếu thắng, người đi kiện và luật sư có thể kiếm được khoản bồi thường, ngược lại thì không mất gì.

Chính vì thế, rất nhiều vụ kiện nổi tiếng trên trời nhưng vẫn xảy ra tại Mỹ như vụ việc một người dùng tại đây đã nộp hồ sơ lên tòa án quận để kiện một doanh nghiệp thực phẩm. Món nui phô mai vỏ sò theo hướng dẫn chỉ mất 3 phút rưỡi để làm nóng bằng lò vi sóng nhưng theo vị nữ khách hàng là thực tế cần nhiều thời gian hơn thế. Người dùng này yêu cầu nhận bồi thường thiệt hại 5 triệu USD. Nổi tiếng nữa là vụ người dùng kiện ông lớn MacDonald vì cốc cà phê quá nóng. Hay, một người đàn ông kiện chính công ty của mình đòi bồi thường vì để ông… quá nhàn trong thời gian dài.

Mục tiêu là kiếm “hoa hồng khủng”

Với văn hóa kiện phổ biến của người Mỹ, không khó hiểu khi các công ty luật tại đây phát triển nở rộ. Viết trên trang cá nhân, một chuyên gia trong ngành tài chính chỉ ra động cơ của các đơn vị này là kiếm tiền. Theo ông, ở Mỹ, luật sư, các công ty luật rất chủ động “gõ cửa” khách hàng để giúp xử lí các vụ kiện. Thay vì thu phí từ khách hàng, các công ty luật sẽ cố gắng đòi bòi thường ở mức cao nhất và “ăn chia” phần trăm với thân chủ.

2-1700565737.jpg

Lợi nhuận từ hoa hồng các vụ kiện là mục tiêu nhiều công ty luật theo đuổi. Ảnh: Lacenturylaw

Khoản phí trả cho luật sư, các công ty luật (Contingency fee – cách tính phí kèm thông điệp “Không thắng không phải trả tiền”) và thông thường sẽ lên tới 20-35% mức bồi thường trong các vụ án phổ thông, thậm chí là có thể là 40% với những vụ kiện liên quan tới chứng khoán.

Với khoản lợi nhuận béo bở, có thể hiểu vì sao các công ty luật luôn nhắm tới các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới niêm yết và ngày càng nổi tiếng trên thế giới như VinFast.

Riêng với vụ việc của VinFast, theo vị chuyên gia, thông thường, sau bước 1 - tìm kiếm khách hàng qua quảng cáo, các công ty luật sẽ phải thực hiện nhiều bước để dự kiến số tiền, thu thập thông tin, chứng minh lỗi của doanh nghiệp nếu có. Khoảng thời gian này có thể kéo dài nhiều năm mà chưa chắc đi tới kết quả cụ thể nào. Bởi vậy, sự việc trên hiện tại theo ông không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của VinFast.

Nói thêm về tác động tới cổ phiếu VFS cũng như VinFast, trả lời báo chí Việt Nam từ Mỹ, GS Hà Tôn Vinh cho rằng, ở Mỹ, chuyện kiện là bình thường nên hành vi bán tháo không dễ dàng xảy ra ngay. “Bởi vội vã thì thiệt hại chính mình gánh. Nhà đầu tư mới tiếp cận thông tin sơ khai, nên tìm hiểu kĩ để tránh gây thiệt hại cho tài sản của mình”, GS Hà Tôn Vinh nói.

Đưa ra thêm khuyến cáo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật An Vi nhấn mạnh việc tiếp nhận thông tin cần xem xét bởi ở Mỹ, “người ta có thể kiện vì rất nhiều thứ  và nếu không có cơ sở thì họ cũng gần như chẳng mất gì”.

“Ở đâu thì luật pháp và tòa án cũng sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các bên. Văn minh và tôn trọng pháp luật như Mỹ, nếu chẳng có lỗi gì thì cũng không lo chuyện bị xử ép, xử thua vô lý làm thiệt hại cho doanh nghiệp”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Đăng Khoa

Link nội dung: https://asean24h.net/my-tu-van-hoa-thich-kien-toi-cua-kiem-tien-cua-cac-cong-ty-luat-54306.html