Tại sao chỉ tiêu về khả năng sinh lời của Cao su Đà Nẵng giảm?

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) vẫn duy trì ổn định nhưng khả năng sinh lời chưa hiệu quả.

Lợi nhuận sau thuế giảm

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng vừa có báo cáo thường niên năm 2023. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp này năm 2023 đạt 4.495 tỷ đồng, giảm 8,24% so với năm trước. Trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu, cao su thiên nhiên chiếm đến hơn 30%.

Trên thị trường nội địa, giá cao su thiên nhiên trong năm 2023 đã có xu hướng giảm, cùng chiều với giá cao su thế giới. Sự biến động này đã đóng góp vào việc giảm chi phí cho DRC, khiến giá vốn hàng bán giảm 5,90%. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn mức sụt giảm của doanh thu thuần, giảm 8,24%.

Các chi phí khác như chi phí về tài chính, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp,.. đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên vẫn không đủ để kéo mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế dương trở lại bởi doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác đều giảm mạnh.

Lợi nhuận sau thuế cuối cùng ghi nhận mức tăng trưởng âm đến 19,81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, năm 2023 có nhiều biến động tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty, các chỉ tiêu đều giảm so với năm trước, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của DRC giảm 0,98% so với cùng kỳ năm trước, từ 3.418 tỷ đồng còn 3.384 tỷ đồng; doanh thu thuần giảm 8,24% đạt 4.495 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 19,81%, từ 307 tỷ đồng xuống còn 246 tỷ đồng.

Hồ sơ doanh nghiệp - Tại sao chỉ tiêu về khả năng sinh lời của Cao su Đà Nẵng giảm?

Khả năng sinh lời của DRC năm qua.

Đáng lưu ý, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của Công ty trong năm qua đã giảm xuống do tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính là do tình hình tiêu dùng toàn cầu có chiều hướng tiêu cực. Điều này đã góp phần làm sụt giảm doanh thu của DRC 8,24% so với năm ngoái.

Trong khi giá vốn hàng bán chỉ giảm 5,90% bởi giá nguyên vật liệu đầu vào như cao su, dầu thô,.. đều giảm. Lợi nhuận gộp trong năm ghi nhận giảm 19,99% so với năm 2022. Hệ số Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh/Doanh thu thuần giảm từ 7,87% xuống còn 6,83%, do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh 20,33%.

Ngoài sự sụt giảm của doanh thu thuần, doanh thu từ hoạt động tài chính, bao gồm lãi tiền gửi và lãi cho vay, cũng giảm do Ngân hàng nhà nước thực hiện nhiều lần cắt giảm lãi suất trong năm.

Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty, mặc dù các chi phí đã giảm trong năm. Hệ số Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần giảm từ 6,27% xuống còn 5,48% do lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 19,81% so với năm ngoái. Và kéo theo đó hệ số Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân giảm từ 16,08% xuống còn 13,30% và hệ số Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản bình quân giảm từ 11,31% xuống 9,07%.

Qua đây cũng cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của DRC vẫn duy trì ổn định nhưng khả năng sinh lời của Công ty chưa hiệu quả trong hoàn cảnh kinh tế đang tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động của Công ty

Nợ ngắn hạn chiếm 98,38% tổng nợ phải trả

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng giảm 0,98% so với cùng kỳ năm trước, tức đạt 3.384 tỷ đồng. Mức giảm đến từ tài sản ngắn hạn, giảm 6,74% so với năm 2022.

Nguyên nhân chính đến từ hàng tồn kho giảm 30,65% so với cùng kỳ, tương ứng với mức giảm hơn 523 tỷ do trong năm qua chi phí nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm.

Hồ sơ doanh nghiệp - Tại sao chỉ tiêu về khả năng sinh lời của Cao su Đà Nẵng giảm? (Hình 2).

Tình hình tài sản của DRC trong năm 2023.

Ngược lại, tài sản dài hạn của DRC năm 2023 tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do nguyên giá tài sản cố định hữu hình trong kỳ tăng gần 123 tỷ đồng, do công ty ghi nhận tài sản cố định tăng thêm từ dự án nâng công suất và thiết bị lẻ.

Nhìn chung, trong năm qua Công ty đã cơ cấu lại tổng tài sản khi đã giảm tỉ trọng tài sản ngắn hạn và tăng tỉ trọng tài sản dài hạn. Điều này giúp cho Công ty tăng cường mở rộng năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của mình hơn, góp phần hoàn thành dự án mở rộng nhà máy sản xuất lốp Radial, nâng công suất từ 600.000 lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả của DRC năm 2023 tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, từ 1.508 tỷ đồng năm 2022 lên 1.533 tỷ đồng năm 2023. Trong đó, nợ ngắn hạn tiếp tục là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ của Công ty, chiếm 98,38% tổng nợ phải trả.

Trong năm vừa qua, Công ty đã chủ động tăng cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn. Cụ thể, mức tăng của nợ ngắn hạn phần lớn đến từ phải trả người bán ngắn hạn, tăng 65 tỷ đồng tức tăng 13,81% so với cùng kỳ năm 2022. Còn mức tăng nợ dài hạn đến từ vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng 24 tỷ đồng tức tăng 3.518,10% so với cùng kỳ năm 2022.

Hồ sơ doanh nghiệp - Tại sao chỉ tiêu về khả năng sinh lời của Cao su Đà Nẵng giảm? (Hình 3).

Cơ cấu nợ của DRC.

Tóm lại, nợ vay của Công ty tăng trong năm 2023 chủ yếu đến từ nợ vay dài hạn, với mục tiêu huy động vốn để tài trợ cho dự án “đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm” và các máy móc thiết bị khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng có vốn điều lệ gần 1.188 tỷ đồng. Trụ sở chính tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

Hiện nay, Chủ tịch HĐQT DRC là ông Nguyễn Xuân Bắc, sở hữu gần 12,5 triệu cổ phiếu, chiếm 10,51% vốn điều lệ. Trong khi đó, Tổng giám đốc là ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, sở hữu hơn 12,3 triệu cổ phiếu, chiếm 10,37% vốn điều lệ.

Hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm cao su và vật tư thiết bị cho ngành công nghiệp cao su; chế tạo, lắp đặt thiết bị ngành công nghiệp cao su; kinh doanh thương mại, dịch vụ tổng hợp.

Link nội dung: https://asean24h.net/tai-sao-chi-tieu-ve-kha-nang-sinh-loi-cua-cao-su-da-nang-giam-67476.html