Chính quyền làm ngơ trước việc người dân kết bè thả hàu trên khu vực biên giới biển

Là đề tài “trên giấy”, chưa được cấp thẩm quyền cấp phép nhưng chính quyền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã cho phép thả, nuôi hàu trên khu vực biên giới biển Cửa Hội.

Thả nuôi khi chưa được cấp phép

Gần 4 tháng nay, tại vùng cửa sông Lam (thuộc thôn Thuý Hội, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), xuất hiện nhiều diện tích bè kết, thả nuôi giống hàu đại dương, hàu hà... Đáng nói, vị trí nuôi thả hàu nói trên được xác định, nằm trong khu vực biên giới biển, hành lang rừng phòng hộ ven biển, nguy cơ cao đe dọa an toàn hành lang, dòng chảy đường thủy nội địa, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì chính quyền huyện Nghi Xuân lại cho các hộ thả, nuôi hàu tại vị trí “nhạy cảm” như vậy?

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại vị trí nói trên, những ngày gần đây, nhiều công nhân tiếp tục được huy động vận chuyển vật liệu bằng thuyền ra khu vực bè nuôi hàu để sản xuất. Bè được đan, thả trên khu vực cửa sông Lam, cách bờ khoảng 400 -500m.

Dân sinh - Chính quyền làm ngơ trước việc người dân kết bè thả hàu trên khu vực biên giới biển

Vị trí thả bè nuôi hàu được xác định nằm trong khu vực biên giới biển và hành lang rừng phòng hộ ven biển.

Xác nhận sự việc, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, hiện, có 2 bè đã thả giống gần 4 tháng. Một bè khoảng 800m2, một bè 400 - 500m2. “Bè bên phải diện tích khoảng 800m2 do ông Nguyễn Văn Thơm, người Quảng Ninh đầu tư (đứng tên đề tài một người dân xã Xuân Hội); bè bên trái khoảng 400 - 500m2 do ông Lê Quang Trung, thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội (theo tìm hiểu hộ dân này người huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - PV) đầu tư. Cả hai hộ dân này đều nuôi thử nghiệm, chưa được cấp phép”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, mô hình nuôi hàu trên cửa sông Lam mới chỉ được UBND huyện Nghi Xuân cho chủ trương bằng miệng và chưa có bất kỳ hồ sơ pháp lý, phê duyệt đề án, hay thuê diện tích mặt nước. Thậm chí, chưa có bất kỳ cuộc họp với các cơ quan chức năng liên quan, thông qua và xin chủ trương triển khai mô hình.

“Huyện làm như vậy là tạo điều kiện cho người dân làm thí điểm xem nuôi hàu trên sông có hợp hay không đã. Về quy trình thì chưa đúng. Đây là đang tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế thôi”, ông Nguyễn Anh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội nói.

Dân sinh - Chính quyền làm ngơ trước việc người dân kết bè thả hàu trên khu vực biên giới biển (Hình 2).

Cơ sở pháp lý nào để chính quyền huyện Nghi Xuân dám cho hộ dân thả nuôi hàu tại khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng?

Mặc dù lý giải tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, song phó chủ tịch và chủ tịch xã Xuân Hội đều cho hay, tiền đầu tư triển khai mô hình nuôi hàu nói trên là của một người đàn ông tên Nguyễn Văn Thơm (trú tỉnh Quảng Ninh) và ông Tiến (trú huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) còn người đứng tên để “đúng thủ tục pháp lý” là ông Lê Văn Trung (trú thôn An Toàn Long, xã Xuân Hội) - là người có hộ khẩu tại địa phương. “Vì đề tài bắt buộc phải là người địa phương mới được hưởng hỗ trợ”, vị chủ tịch UBND xã Xuân Hội thừa nhận.

Trách nhiệm của chính quyền sở tại?

Liên quan nội dung này, một cán bộ Đồn Biên phòng Lạch Kèn, huyện Nghi Xuân khẳng định, khu vực kết bè thả nuôi hàu nói trên thuộc khu vực biên giới biển. Tuy là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực biên giới biển nhưng đơn vị cũng không được mời họp về chủ trương nuôi hàu ở Cửa Hội. “Xã, huyện cho họ làm thí điểm để phát triển kinh tế xã hội nhưng làm gì cũng phải có quy hoạch, thậm chí nuôi hàu này thuộc khu vực cửa lạch thì thẩm quyền phê duyệt là Chủ tịch tỉnh”, vị cán bộ nói.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Quang Luật, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân thừa nhận, khu vực nuôi hàu tại Cửa Hội chưa có quy hoạch, chưa được cấp phép, đề tài cũng đang dự thảo, nuôi thí điểm mà thôi. Nếu nói thì không đúng quy định nhưng làm là vì phát triển kinh tế địa phương còn chờ quy hoạch thì chưa biết đến lúc nào mới làm được (?!)

Dân sinh - Chính quyền làm ngơ trước việc người dân kết bè thả hàu trên khu vực biên giới biển (Hình 3).

Lãnh đạo xã Xuân Hội thừa nhận việc kết bè thả nuôi hàu là sai quy định pháp luật, chưa có bất cứ hồ sơ pháp lý nào nhưng vẫn làm (?!).

Theo thuyết minh, đề tài mô hình nuôi hàu cửa sông tại xã Xuân Hội do Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Nghi Xuân xây dựng, tổng kinh phí mô hình nói trên là hơn 515 triệu, trong đó, nguồn vốn ngân sách huyện hơn 74 triệu đồng còn lại do chủ mô hình đóng góp hơn 441 triệu đồng. Phòng NN-PTNN UBND huyện Nghi Xuân là đơn vị trực tiếp tham mưu.

Đề tài này được lập vào tháng 3/2024 và thời gian bắt đầu triển khai phải đến tháng 6/2024. Tuy nhiên, trên thực tế, UBND huyện Nghi Xuân đã cho các hộ dân thả nuôi gần 4 tháng nay, khi chưa xin ý kiến và được các cấp thẩm quyền phê duyệt, đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước, công tác tham mưu thực hiện các quy định của pháp luật, đặc biệt là tại khu vực biên giới biển, rừng phòng hộ nhạy cảm về an ninh đường thuỷ và các vấn đề liên quan an ninh quốc phòng?

Link nội dung: https://asean24h.net/chinh-quyen-lam-ngo-truoc-viec-nguoi-dan-ket-be-tha-hau-tren-khu-vuc-bien-gioi-bien-67526.html