Ngược núi “săn” ươi bay

Đan xen trong những tán rừng xanh, những cây ươi đỏ rực, vươn cao chót vót báo hiệu một mùa ươi lại đến. Dưới tán rừng, người dân hóng theo từng cơn gió để nhặt ươi.

Đặc sản núi rừng

Theo chu kỳ, 4 năm một lần, cứ vào dịp hè, ươi (Cây ươi thuộc chi Ươi, họ phụ Trôm của họ Cẩm Quỳ. Hạt của nó được sử dụng trong y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt và cũng có thể dùng để trị chứng rối loại tiêu hóa hoặc làm mát cổ họng - PV) bắt đầu cho quả. Ươi bay, là một loại đặc sản quý hiếm, tốt cho sức khoẻ, có giá thành kinh tế cao. Chính vì vậy, mỗi khi mùa ươi đến người dân lại khăn gói vào rừng nhặt ươi bán kiếm thêm thu nhập.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để “mục sở thị” cây ươi bay, đặc sản của núi rừng. Xã biên giới Ia Mơ mùa này trời nóng như “đổ lửa”, gió mang theo hơi nóng táp thẳng vào mặt, một cảm giác ngột ngạt đến khó thở.

Theo chân những người lính gác rừng, sau gần một giờ di chuyển trên những chiếc xe máy “đặc chủng”, vượt qua nhiều cung đường rừng ngoằn nghèo, dốc đứng chúng tôi có mặt tại lán của anh em bảo vệ rừng. Lán trại đơn sơ, tạm bợ dựng dưới mấy gốc thông già trên đỉnh núi.

Đến nơi 5 nhân viên bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 987, lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, mỗi người một việc. Người nấu cơm, người rửa bát vội vã chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc. 

Đưa chai nước lên miệng tu một hơi ừng ực giải toả cơn khát, ông Bàn Văn Cường cho biết,  5 anh em người là đại diện cho 5 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài việc gác rừng phòng cháy vào mùa khô nắng nóng kéo dài, anh em còn đảm nhận thêm nhiệm vụ bảo vệ mấy cây ươi đang thời kỳ ra quả.

Dân sinh - Ngược núi “săn” ươi bay

Người dân vào rừng nhặt ươi bay kiếm thêm thu nhập.

Chỉ tay vào cây ươi đỏ rực, cao chót vót, ông Cường chia sẻ thêm, theo chu kỳ 4 năm 1 lần, cây ươi sẽ rộ quả. Có những cây cho 2-3 tạ quả. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ với các gia đình trong mùa này.

Theo ông Cường, ươi là cây thân gỗ cao 10 - 20m, thân thẳng đuột, nhiều thân cây to một người ôm không xuể. “Trước đây, nhiều người cứ mang rựa vào chặt hạ cây để thu hái trái. Sau này, địa phương và lực lượng kiểm lâm tuyên truyền để người dân nhận ra giá trị của quả ươi và nhất là hậu quả của việc đốn hạ, nên họ lựa chọn cách khai thác bền vững, chờ ươi chín rụng xuống mới lượm”, ông Cường nói.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Luận (ngụ xã Ia Mơ) cho biết, tranh thủ những ngày rảnh rỗi, anh đùm cơm nắm, lần theo những vạt cây ươi chín đỏ kiếm ít lộc rừng.

Quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng dưới cái nắng chói chang, anh Luận vẫn nhoẻn cười với thành quả gần 5kg ươi sau một ngày nhặt nhạnh. Anh nhẩm tính với giá thu mua từ 100 nghìn đồng – 600 nghìn đồng/kg tuỳ từng loại, thì anh cũng  bỏ túi số tiền kha khá.

Anh Luận hớn hở:  “Ươi không rụng về gốc. Tùy cơn gió to gió nhỏ thì hạt ươi bay theo đó. Chỉ cần nhớ hướng gió, men theo là tìm ra hạt. Ươi bay theo đàn, đôi khi kín cả một góc trời, nhìn đẹp mê hồn”.

Anh Rmah Xuân (trú tại làng Krông, xã Ia Mơ) tâm sự: “Người Jrai mình chỉ chờ hạt ươi bay xuống rồi mới nhặt chứ không trèo lên chặt cành hay cưa gốc. Cây ươi rất thẳng, ít cành và nhánh nên rất khó trèo, sơ sẩy là thành ma rừng ngay. Nếu chặt gốc thì những năm sau không còn quả để nhặt. Bà con cũng không bao giờ tranh giành. Ví như nhìn thấy một cây ươi đã có người làm dấu là chúng tôi không bao giờ nhặt hạt ở đó. Còn mấy năm nay, người dân khắp nơi đổ về thu hái, nhốn nháo lắm”.

Dân sinh - Ngược núi “săn” ươi bay (Hình 2).

Được sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng, người dân chờ ươi rụng xuống đất mới nhặt, không cưa hạ cây để giữ lộc rừng cho năm sau.

Chung tay giữ “lộc rừng”

Ở khu vực rừng giáp ranh giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh), cây ươi cũng đang thời kỳ ra quả. Trên những con đường nhánh dẫn vào sâu trong rừng, không khó để nhìn thấy những bãi đất được phát dọn sạch sẽ, chi chít dấu xe máy và chân người.

Trò chuyện cùng chúng tôi ở ngay con dốc giữa rừng, anh Trần Văn Minh, người đi nhặt hạt ươi cho biết: “Chừng 3 tuần nay ở khu vực rừng này, người dân vào rừng nhặt ươi rất nhiều. Đa phần họ mang theo thực phẩm vào rừng dựng lán tạm ở nhiều ngày để tìm ươi. Nhiều người trúng vài tạ ươi, thu về mấy chục triệu đồng. Vì người đi đông nên họ tranh giành, không để cho ươi chín rồi bay xuống mới lượm mà xanh hay chín đều nhặt. Thế nên giá thu mua cũng đủ loại. Ví như xanh non thì 100 nghìn đồng/kg, còn ươi bay thì 600 nghìn đồng/kg.

Dân sinh - Ngược núi “săn” ươi bay (Hình 3).

Ươi hiện nay có giá thành kinh tế cao, được nhiều người dân vào rừng nhặt hái.

Theo Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai - ông Nguyễn Trường Hải và Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly - ông Phạm Thành Phước, trên khu vực rừng giáp ranh giữa 2 đơn vị có rất nhiều cây ươi. Từ giữa tháng 2 vừa qua, người dân ở một vài địa phương trong tỉnh đã vào rừng thu hạt ươi.

Cả 2 đơn vị đã cử lực lượng triển khai hoạt động tuyên truyền, chốt chặn để hạn chế số lượng người lên núi, tránh việc tận thu hạt ươi rồi xâm hại rừng. Để được hưởng “lộc trời” lâu dài, cư dân sinh sống ở một số vùng trong tỉnh không quản ngày đêm bảo vệ an toàn cho những cây ươi.

Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai  cho biết: “Vào mùa ươi năm nay, chính quyền địa phương kiên quyết nói không với chặt cành, cưa gốc. Chúng tôi đã họp, tuyên truyền vận động bà con tuyệt đối không được chặt cành, cưa gốc. Bà con khai thác sản vật rừng phải biết bảo vệ chăm sóc, giữ cây phát riển tốt để các năm sau còn có quả để hái lượm. Bên cạnh đó, ban quản lý đã lập các tổ chốt lên tận những nơi có cây ươi đang cho trái, kiểm soát bảo vệ nghiêm ngặt tránh tình trạng người dân chặt, đốn hạ cây để lấy quả. Bảo vệ cây ươi cũng chính là bảo vệ sinh kế lâu dài cho bà con”.

Dân sinh - Ngược núi “săn” ươi bay (Hình 4).

Lực lượng bảo vệ rừng túc trực, tuần tra kiểm soát, nghiêm cấm người dân chặt hạ cây ươi để lấy quả.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, đơn vị chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn ngừa các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trái phép. 2 ban quản lý rừng cùng các xã đang triển khai lực lượng để túc trực, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn người dân vào rừng chặt hạ cây ươi lấy quả.”

Link nội dung: https://asean24h.net/nguoc-nui-san-uoi-bay-67532.html