Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn

Trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng trong mùa khô, các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn.

Hàng nghìn héc-ta cây trồng có khả năng bị hạn

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về tình hình hạn hán, thiếu nước sản xuất vụ Đông xuân 2023-2024 trên địa bàn.

Theo  báo cáo, vào đầu vụ sản xuất Đông xuân năm 2023-2024, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt mực nước dâng bình thường. Thời kỳ tháng 3, 4/2024 là thời kỳ mực nước thấp nhất trong năm. Nguồn nước trong sông duy trì chủ yếu từ nguồn nước ngầm cung cấp. Lượng dòng chảy phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nguồn nước cùng thời kỳ từ 5-15%, nguy cơ hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ tưới cũng như sinh hoạt trong mùa khô của nhân dân trong tỉnh.

Dân sinh - Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn

Toàn tỉnh Đắk Lắk có tổng số 858 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3.

Theo báo cáo của các phòng NN&PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố, Sở NN&PTNT, đến ngày 12/4/2024, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm, mực nước sông suối và nước ngầm duy trì mức thấp hơn, lượng dòng chảy mặt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thiếu hụt phổ biến khoảng 50-70%. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn các huyện bị cạn kiệt, đặc biệt sông Krông Nô, sông Krông Pách mực nước quá thấp, lượng dòng chảy giảm mạnh. Nguồn nước ngầm, mực nước và lưu lượng giảm.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 2-4m, cục bộ một số vùng do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước.

Trong khi đó, theo báo cáo của 9/15 huyện, thị xã thành phố, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 2.046,2ha cây trồng có khả năng bị hạn, trong đó lúa 638,7ha, cà phê 1.317,5ha, cây khác 36ha.

Dân sinh - Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn (Hình 2).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 2.046,2ha cây trồng có khả năng bị hạn, trong đó lúa 638,7ha, cà phê 1.317,5ha, cây khác 36ha.

Tại tỉnh Đắk Nông, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh phổ biến khô hanh, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp; dòng chảy các sông suối tiếp tục giảm, nhiều sông suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi hạ thấp rất nhanh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có tổng số 307 công trình thủy lợi, trong đó có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác.

Tổng dung tích thiết kế cho 255 công trình hồ chứa khoảng 172 triệu m3 nước. Đến thời điểm hiện tại, có 29 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước.

Dân sinh - Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn (Hình 3).

Tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng không ít đến việc sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ nay đến nửa đầu tháng 5/2024, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm; tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ tiếp tục diễn ra.

Trong thời gian tới, nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa nhiều trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt tại khu vực phía Bắc tỉnh (các huyện Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô).

Khẩn trương triển khai nhiều giải pháp

Trước tình hình trên, ngay từ đầu vụ Đông xuân 2023-2024, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã có các về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Đối với các hồ chứa, đảm bảo điều kiện an toàn chủ động nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ. Theo ông Đỗ Xuân Dũng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, với số lượng hồ chứa lớn, giải pháp này có thể tăng thêm hàng chục triệu m3 nước để chống hạn.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nguồn tại các hồ đập, không để tổn thất, lãng phí. Đối với hệ thống kênh mương, triển khai nạo vét, sửa chữa khắc phục những sự cố hư hỏng đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất; đắp các đập tạm trên suối, trên các trục kênh tiêu để giữ nước; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông suối và từ dung tích chết của hồ, xây dựng một số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông có nguồn nước như ở huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Ea Kar.

Dân sinh - Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn (Hình 4).

Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trưởng triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô.

Tăng cường công tác quản lý, điều tiết; khuyến cáo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ gieo trồng, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn, phủ màng ni-lông hạn chế bốc hơi, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tuyên truyền mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm...

Các địa phương trên địa tỉnh Đắk Lắk cũng đã chủ động, tích cực triển khai phòng, chống hạn theo phương châm 4 tại chỗ, hạn chế mức độ ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Từ đầu mùa khô đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành 5 văn bản và 1 kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong vụ sản xuất mùa khô năm 2024.

Dân sinh - Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn (Hình 5).

Tỉnh Đắk Nông đang thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong vụ sản xuất mùa khô năm 2024.

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và đơn vị khai thác công trình thủy lợi thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 769/KH-UBND ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, đến người dân về tình hình, diễn biến thời tiết, có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, dân sinh để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn.

Kiểm tra, cập nhật, đánh giá cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập,... khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, thường xuyên hạn và diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động trồng các loại cây trồng phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước.

Chủ động trong công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm áp dụng phương pháp tưới luân phiên, tiết kiệm nước,...), hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ. 

Tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình thuỷ lợi, triển khai sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy móc và các thiết bị hư hỏng, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh mương, khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng kênh, công trình trên kênh đảm bảo không để thất thoát, lãng phí nguồn nước. Chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bơm tận dụng dung tích nước chết tại các hồ chứa, tiến hành bơm truyền nước từ các hồ có dung tích lớn điều tiết nước về các hồ chứa có dung tích nhỏ không đảm bảo nguồn nước.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://asean24h.net/cac-tinh-tay-nguyen-gong-minh-chong-han-67554.html