Cho SJC, DOJI, PNJ nhập 1,5 tấn vàng, rồi ra sao?

() - Có ý kiến nói con số khoảng 100 triệu USD (hơn 2.540 tỷ đồng) chi ra để nhập khẩu 1,5 tấn vàng so với nhập mặt hàng khác không quá cao. Chuyên gia khác nói nếu nhập nhiều hơn, tỷ giá sẽ bị tác động.

Vì sao đề xuất cho 3 doanh nghiệp nhập vàng?

Mới đây, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết đơn vị này đã gửi đề xuất và kiến nghị tới nhà quản lý về việc cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500kg vàng mỗi năm.

Ông Khánh nêu rõ phía hiệp hội kiến nghị cho nhập vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp chế tác vàng nữ trang. 3 đơn vị được kiến nghị đều là các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất của ngành. Ông hy vọng cơ quan quản lý cho thí điểm trước với các đơn vị này chứ không phải làm đại trà.

Cho SJC, DOJI, PNJ nhập 1,5 tấn vàng, rồi ra sao? - 1

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Theo đó, không phải một lần các doanh nghiệp nhập luôn tổng 1,5 tấn vàng mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Vị này cho hay con số 1,5 tấn không lớn, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn.

"Quy đổi ra tiền là khoảng hơn 30 triệu USD/500kg. Tổng giá trị của 1,5 tấn vàng tính cả tiền nhập khẩu, thuế phí trong khoảng 100 triệu USD", ông nói.

Theo ông Khánh, so với nhập khẩu mặt hàng khác, con số này không quá cao.

Ông Khánh nêu nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ giảm và giúp chênh lệch quốc tế - trong nước được rút ngắn lại. Theo vị này, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng cũng sẽ bình ổn.

Nhập nhiều hơn thì rủi ro, không nên nhập ồ ạt 

Với đề xuất trên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng nếu 3 doanh nghiệp vàng lớn nhập khẩu vàng sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, con số 500kg/năm cho mỗi doanh nghiệp vẫn là một con số nhỏ, chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhưng lại phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại.

Cũng theo ông Huân, nếu nhập khẩu nhiều hơn 1,5 tấn vàng ở thời điểm này, tỷ giá chắc chắn sẽ bị tác động. Giống như giai đoạn trước 2012, có thời điểm thị trường nhập khẩu nhiều vàng, thậm chí là nhập siêu và tỷ giá thời điểm đó tăng mạnh. 

Theo ông Huân, chúng ta có thể hình dung người dân kiếm được tiền và dùng tiền đó để đi mua vàng. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu vàng bằng ngoại tệ để đem đi bán cho người dân. Rõ ràng dòng tiền đang chuyển thành USD và chảy ra khỏi quốc gia. Do đó, việc nhập khẩu vàng một cách ồ ạt, số lượng lớn cũng không nên được khuyến khích.

Cho SJC, DOJI, PNJ nhập 1,5 tấn vàng, rồi ra sao? - 2

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân (Ảnh: Hải Long).

Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu thì không chỉ giúp nhà điều hành chủ động hơn trong việc quản lý thị trường vàng thay vì bị động như hiện tại mà còn khiến thu hẹp chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới.

Song song với việc bình ổn thị trường vàng, vị chuyên gia này cho rằng cũng cần những biện pháp để mất đi tính hấp dẫn của thị trường vàng, loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông, đề cao các kênh đầu tư khác.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định giá vàng thế giới đang ghi nhận diễn biến tăng vọt. Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn đang neo ở mức cao, song chênh lệch giữa vàng thế giới và giá vàng trong nước cách xa nhau.

Đánh giá về đề xuất chấm dứt tình trạng độc quyền vàng miếng, ông Thịnh cho rằng chắc chắn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ rút xuống, thậm chí về có thể về mức tương đương nhau. Theo ông khi bỏ độc quyền vàng miếng thì chênh lệch có thể chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. 

Theo ông Thịnh, dễ hiểu là những nhà đầu tư đang ôm vàng miếng SJC mang "nỗi sợ" về sự rủi ro mất tiền. Bởi trường hợp bỏ độc quyền vàng miếng thì giá vàng SJC sẽ cắm đầu đi xuống.

Tuy nhiên, ông Thịnh nhấn mạnh rằng việc bỏ độc quyền vàng miếng không có nghĩa Nhà nước cho phép nhập vàng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát. Ngược lại, cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp xử lý chặt chẽ vấn đề này.

Cho SJC, DOJI, PNJ nhập 1,5 tấn vàng, rồi ra sao? - 3

Vàng miếng tại một điểm bán ở Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Doanh nghiệp nói gì?

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ, cho biết, trong quý I, công ty này gặp khó khăn cực kỳ lớn là nguồn nguyên liệu bị hạn chế, có những lúc không có vàng. Công ty không lo về đầu ra nhưng đầu vào lại không có.

Nói về việc dự trữ vàng cho cả năm, bà Dung khẳng định không có. Bởi giá vàng biến động từng ngày từng giờ nên phải tính mua lúc nào, mua như thế nào để đảm bảo giá vốn, phân tích nhiều thứ để quyết định mua hay không. Một số ngày nếu số lượng vàng nguyên liệu nhập vào không đủ, công ty sẽ phải chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất.

Đại diện truyền thông SJC cho biết đề xuất cho các doanh nghiệp nhập vàng nêu trên chỉ mới dừng lại ở mức độ thông tin, do đó công ty chưa có kế hoạch hay nhận định gì về vấn đề này.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng cũng sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường, khi đó doanh nghiệp có thêm nguyên liệu để có nhiều sản phẩm đến tay người tiêu dùng hơn.  

Bên cạnh đề xuất nhập khẩu vàng, mới đây Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chuẩn bị cho công tác đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng, hoạt động này nhằm tăng cung cho thị trường.

NHNN cho biết, sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.

Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.

Hiện có 26 đơn vị, bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng, thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Link nội dung: https://asean24h.net/cho-sjc-doji-pnj-nhap-15-tan-vang-roi-ra-sao-67798.html