Chủ tịch MB Lưu Trung Thái thẳng thắn trả lời về dư nợ Novaland, Trung Nam và SCB

Khi được hỏi về dư nợ cho vay SCB, Chủ tịch MB khẳng định, ngân hàng không cho SCB vay, đây là vấn đề đã được nhắc lại rất nhiều lần.

Lợi nhuận quý I/2024 dự kiến đạt 5.800 tỷ đồng

Sáng 19/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu tại Đại hội, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MB cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên chưa tiến hành các thủ tục bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. Việc bầu sẽ được thực hiện tại ĐHCĐ trong thời gian sớm nhất, phù hợp với quy định.

Trước đó, ngân hàng dự kiến sẽ bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024-2029 tại ĐHĐCĐ thường niên. Theo đó, số lượng thành viên trong HĐQT là 11 người, với 1 thành viên độc lập. Số lượng thành viên của Ban Kiểm soát là 5 người.

Tài chính - Ngân hàng - Chủ tịch MB Lưu Trung Thái thẳng thắn trả lời về dư nợ Novaland, Trung Nam và SCB

Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái phát biểu tại đại hội.

Về kế hoạch kinh doanh, MB dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 – 8%. Với mức đạt được trong năm 2023 là 26.306 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.

Đưa ra lí do đặt mục tiêu như vậy, ông Lưu Trung Thái cho biết, năm 2023 NIM toàn ngành giảm. Sang năm 2024, dự phòng NIM giảm và tăng trưởng tín dụng thấp. Thông thường quý I hàng năm, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt từ 4-5%, tuy nhiên năm nay lại không tăng, đến thời điểm hiện tại chỉ tăng khoảng 0,23%.

Tỉ lệ nợ xấu toàn ngành năm 2023 ước tăng gấp đôi, kéo theo áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Vì vậy ban lãnh đạo đề ra phương án an toàn, thận trọng trong đặt mục tiêu.

Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024. Tín dụng được dự báo tăng trưởng 15 - 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn.

Thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB cho biết, kết quả sẽ sớm được cập nhật. Tuy nhiên, dự kiến doanh thu hợp nhất đạt khoảng 12.016 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 5.800 tỷ đồng. Doanh thu Ngân hàng mẹ đạt khoảng 9.782 tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 5.200 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Chủ tịch MB Lưu Trung Thái thẳng thắn trả lời về dư nợ Novaland, Trung Nam và SCB (Hình 2).

Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh phát biểu tại đại hội.

Trong giai đoạn từ 2024 đến 2029, MB kế hoạch tài sản sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm, với tăng trưởng huy động vốn trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm. Tỉ lệ trả cổ tức trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15 - 20%/năm.

Năm 2024, ngân hàng dự kiến sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với tổng tỉ lệ 20%.Trong đó, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỉ lệ 5%. Đồng thời dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng bằng phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025. Trước đó, ngân hàng đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành 2 kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay Novaland không còn nhiều

Trọng phiên thảo luận tại đại hội, cổ đông đã đặt ra nhiều câu hỏi “nóng” đối với ban lãnh đạo MB. Theo đó, trả lời câu hỏi liên quan đến dư nợ cho vay đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Lưu Trung Thái khẳng định: “Chúng tôi không cho SCB vay, vấn đề này đã được nhắc lại rất nhiều lần”.

Bên cạnh đó, vấn đề được rất nhiều cổ đông quan tâm là dư nợ của Novaland tại MB. Ông Phạm Như Ánh thông tin, năm 2023, MB đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng và hiện tại dư nợ không còn nhiều. Ông Ánh xin phép đại hội không thông tin về con số cụ thể vì liên quan đến quy định bảo mật.

Tài chính - Ngân hàng - Chủ tịch MB Lưu Trung Thái thẳng thắn trả lời về dư nợ Novaland, Trung Nam và SCB (Hình 3).

Liên quan đến Novaland, cổ đông tiếp tục đặt ra câu hỏi, khi đầu tư vào trái phiếu NVL, lãnh đạo MB có nhận thấy rủi ro hơn so với kỳ vọng, hay có cảm thấy đó là sai lầm hay không?

Ông Lưu Trung Thái cho rằng, về bản chất, trái phiếu là công cụ tài chính đã có từ hàng trăm năm nay. Điều quan trọng là trái phiếu nào, của nhà phát hành nào và cách quản lý ra sao.

Ông Thái cho rằng, việc lựa chọn nhà phát hành là khách hàng để đầu tư trái phiếu thay vì cho vay trung dài hạn và quản lý dự án không khác gì cho vay trung dài hạn, đảm bảo dài hạn. Nhưng đầu tư trái phiếu lại có điểm mạnh là dễ dàng chuyển nhượng.

Đối với Novaland, ông Thái nhận định cách tiếp cận vừa qua tốt, dư nợ đã giảm đi một nửa, đồng thời, Novaland cũng đang được hỗ trợ pháp lý để tiếp tục dự án.

Nói về khoản cho vay đối với nhóm Trung Nam, ông Phạm Như Ánh cho biết, MB có cho vay 3 dự án điện mặt trời. Cả 3 dự án này đều nằm trong Fit 1, Fit 2 và vấn đề nằm ở chỗ EVN chậm thanh toán.

“Nhìn chung, dự án của Trung Nam đúng là dòng tiền về chậm, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng và MB. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại” – ông Ánh nói.

Một cổ đông đặt câu hỏi về tiến độ sáp nhập ngân hàng yếu kém. Ông Phạm Như Ánh cho biết, MB không sáp nhập mà nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Ngân hàng được chuyển giao vẫn là ngân hàng độc lập, khi hết thời gian cơ cấu mới tính đến chuyện sát nhập hay thoái vốn.

Thông tin về tiến độ, MB cho biết đã xong đề án trình Ngân hàng Nhà nước và đang chờ trình chính phủ. Ngân hàng kỳ vọng chương trình chuyển giao sẽ được hoàn thiện trong năm 2024 và 2025.

Link nội dung: https://asean24h.net/chu-tich-mb-luu-trung-thai-thang-than-tra-loi-ve-du-no-novaland-trung-nam-va-scb-67822.html