Tổng thống Biden khoe nhiên liệu hạt nhân đầu tiên do Mỹ sản xuất

Ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung uranium được làm giàu của Nga thông qua việc tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Ngày 19/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố một cơ sở của nước này đã sản xuất được 90kg uranium làm giàu cấp độ thấp (HALEU) có hàm lượng cao đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ không thể phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân nhập khẩu từ Nga.

Moskva hiện là nguồn cung thương mại HALEU duy nhất cho Mỹ - quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân hàng năm lớn nhất thế giới.

“Hôm nay, tôi có thể thông báo rằng nhà máy IBEW ở miền nam Ohio đã sản xuất được 90kg uranium được làm giàu đầu tiên. Đây cũng là HALEU đầu tiên được sản xuất tại Mỹ", ông Biden phát biểu tại một sự kiện ở Washington.

Tổng thống Biden khoe nhiên liệu hạt nhân đầu tiên do Mỹ sản xuất- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Nhà Trắng)

Ông Biden cũng nhấn mạnh rằng “nhiên liệu hạt nhân tiên tiến” là cần thiết cho “thế hệ lò phản ứng tiếp theo” của Mỹ và cơ sở Ohio dự kiến ​​sẽ làm giàu ít nhất một tấn uranium từ đây đến cuối năm. Số nhiên liệu này đủ cung cấp điện cho 100.000 gia đình ở Mỹ.

Theo Tổng thống Biden, Mỹ đã dựa vào việc nhập khẩu uranium đã làm giàu từ các nước như Nga để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân của mình. Washington muốn thay đổi điều này và cam kết đầu tư hơn 3,4 tỷ USD cho việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân mới.

Trước đó, tháng 6/2023, chính phủ Mỹ đã phê duyệt một dự án làm giàu HALEU tại nhà máy ở Piketon, Ohio. Cơ sở này được thành lập vào năm 1954, làm giàu uranium cho các nhà máy điện và vũ khí hạt nhân cho đến khi nó bị đóng cửa vào năm 2001.

Vào tháng 10/2023, Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội cung cấp 2,2 tỷ USD tài trợ để tăng cường sự độc lập về năng lượng của Mỹ bằng cách thiết lập hoạt động sản xuất HALEU trong nước cũng như uranium có độ giàu thấp. Chính quyền Biden gọi việc làm giàu uranium là một vấn đề an ninh quốc gia, đồng thời cho rằng sự phụ thuộc vào nguồn uranium của Nga gây ra rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Cuối năm 2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu uranium của Nga như một phần của chiến dịch trừng phạt chống lại Moskva vì cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, dự luật đã bị đình trệ tại Thượng viện.

Washington đã hạn chế nhập khẩu uranium của Nga xuống mức 20% nhu cầu hàng năm. Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu gần 1,2 tỷ USD uranium của Nga, đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2009. Nga vẫn giữ vị trí hàng đầu trong số các nhà cung cấp uranium của Mỹ về mặt giá trị, đồng thời tăng tỷ trọng nhập khẩu từ 26% lên 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Link nội dung: https://asean24h.net/tong-thong-biden-khoe-nhien-lieu-hat-nhan-dau-tien-do-my-san-xuat-67997.html