6 ý nghĩa quan trọng của dự án
Sáng 21/4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức lễ khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT trị giá hơn 11.000 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Nhà nước khoảng 5.500 tỷ đồng (chiếm gần 50%), còn lại do nhà đầu tư phụ trách.
Tại buổi lễ khởi công, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành có liên quan, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và các địa phương liên quan trong chuẩn bị thực hiện dự án này, cũng như triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khởi công đầu năm nay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ cảm ơn những gia đình đã nhường chỗ ở, đất canh tác, nơi làm ăn để dự án hoàn thành.
Thủ tướng đề nghị địa phương và nhà đầu tư cần nâng cao đời sống của người dân đã nhường đất cho dự án. Cuộc sống của những người dân nhường đất cho dự án tại nơi ở mới phải có điều kiện tốt, ít nhất bằng nơi ở cũ.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp quá thẩm quyền phải báo cáo kịp thời và phối hợp địa phương với tinh thần "không đùn đẩy, không né tránh, không kéo dài".
Các địa phương có cao tốc đi qua phải phát huy tính tự lực, tự cường, đảm bảo quản lý Nhà nước thật tốt trong công tác thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn vệ sinh môi trường…
Nhà đầu tư làm đúng luật, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm và thi công đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, vệ sinh môi trường.
Các nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công có trách nhiệm đảm bảo kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, môi trường sạch sẽ trước và sau khi thi công.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", làm xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày Tết; ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương; vượt nắng, thắng mưa; sau khi thi công xong phải làm tốt việc hoàn nguyên môi trường.
Ông cũng đề nghị người dân tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ việc triển khai dự án và biểu dương các ngân hàng đã cho nhà đầu tư vay vốn.
Theo Thủ tướng, cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc đến năm 2030. Đây cũng là tuyến kết nối tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, kết nối 6 cặp cửa khẩu của hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.
Khởi công tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là tuyến cao tốc cuối cùng nối Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TPHCM, Cần Thơ, Cà Mau.
Nói về ý nghĩa của cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 điểm quan trọng.
Thứ nhất, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã đề ra về phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030.
Thứ hai, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Lạng Sơn và Cao Bằng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Thứ ba, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Trung Quốc, kết nối 2 vùng kinh tế động lực của đất nước là đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Bắc, kết nối 4 địa phương (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng - Quảng Ninh).
Thứ tư, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng (qua các cụm cảng biển); đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thứ năm, góp phần thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát kiểm tra, phát huy tính tự lực, tự cường của các địa phương.
Thứ sáu, thực hiện chủ trương hợp tác công tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hình thức PPP với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.
Dự án là niềm mong ước của chính quyền, người dân
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn đánh giá cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành tạo lợi thế phát triển quan trọng của hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế "cửa ngõ" giao lưu thương mại với Trung Quốc, Đông Nam Á cũng như thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Dự án góp phần phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Ông Đoàn nhấn mạnh việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này là niềm mong ước của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn trong nhiều năm qua.
Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cố gắng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan; trong điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới, nguồn lực còn rất hạn chế, nhưng tỉnh đã cân đối nguồn vốn 2.000 tỷ đồng tham gia dự án.
Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với vận tốc tối đa 100km/h, khi hoàn chỉnh có 6 làn xe, 2 làn dừng, rộng 32,25m.
Đoạn Tân Thanh - Cốc Nam có 4 làn xe, 2 làn dừng, rộng 22m, tốc độ tối đa 80km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng.
Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án là hơn 25 năm.
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài gần 60km.
Link nội dung: https://asean24h.net/thu-tuong-du-le-khoi-cong-cao-toc-cua-khau-huu-nghi-chi-lang-68016.html