Ông cho rằng việc tổ chức Diễn đàn tập trung vào tương lai của ASEAN rất phù hợp với những gì hiệp hội đang theo đuổi trong xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và bốn phiên bản chiến lược của tầm nhìn.
Kế hoạch này được bắt đầu trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, nơi các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Tổng thư ký ASEAN cho rằng Diễn đàn Tương lai ASEAN lần này diễn ra rất kịp thời và cấp thiết trước vô số thách thức mà khu vực và chính phủ các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt.
Ông cho rằng con người luôn có xu hướng tập trung quá mức vào những thách thức trước mắt, bận “dập lửa” như cách nói của một số người, nên không đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo về những gì sẽ xảy ra.
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Diễn đàn sẽ rất hữu ích để suy nghĩ thấu đáo về những gì phía trước và cần được đón đầu. Ông khẳng định, ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xác định lại các diễn biến toàn cầu, tiến trình toàn cầu. ASEAN không chỉ hướng nội mà phải hướng ngoại, nhưng cũng cần tiếp tục củng cố nội khối trong khi hướng ra bên ngoài.
“Với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng vai trò tiên phong trong một lĩnh vực nào đó”, ông Kao Kim Hourn nói.
Tổng thư ký ASEAN cho rằng, Diễn đàn tương lai ASEAN sẽ có thể đóng vai trò tiên phong ở ba cấp độ:
Góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập và Cộng đồng ASEAN và đây cũng là ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Điều này nhằm bảo đảm thúc đẩy ASEAN thông qua tăng cường thương mại nội khối và thông qua du lịch và kết nối nội khối, đặt trong một tổng thể về thúc đẩy hợp tác bên trong ASEAN.
Theo đó, cần thúc đẩy ASEAN tăng cường các cơ chế giữa ASEAN tiếp thêm sinh lực cho các cơ chế này.
Cần thúc đẩy một bản sắc ASEAN, bảo đảm sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng để trở thành xương sống cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Ông cho rằng đây là vấn đề mà Diễn đàn tương lai ASEAN lần này nên ưu tiên thảo luận.
Tiếp tục chính sách hợp tác của ASEAN với các đối tác bên ngoài, bằng cách tăng cường các cơ chế hiện tại và xem xét thành lập những cơ chế mới trong tương lai.
Ông Kao Kim Hourn cho biết, một câu hỏi quan trọng là làm sao ASEAN có thể làm việc với tất cả đối tác để duy trì vai trò và sự linh hoạt chính sách, đồng thời đảm bảo khu vực này vẫn hấp dẫn về thương mại, du lịch và đầu tư.
Ông cho rằng ASEAN có thể làm điều đó nếu tuân thủ các nguyên tắc đã định hướng cả khối trong nhiều thập kỷ qua.
Kỳ vọng từ Liên Hợp Quốc
Trong phát biểu bằng video gửi tới Diễn đàn, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đánh giá ASEAN xây dựng được những nền kinh tế năng động, kiên cường và đa dạng trong gần 6 thập kỷ qua.
Tổng Thư ký Guterres khẳng định, ASEAN đại diện cho tiếng nói mạnh mẽ của hoà bình, đối thoại thẳng thắn, giải trừ vũ khí, và không phổ biến vũ khí trên toàn cầu. Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ giúp khu vực phát triển bền vững và xác định mục tiêu cho quãng đường phía trước.
Về Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9 tới, ông Guterres cho biết đó sẽ là cơ hội để thế giới đoàn kết và chia sẻ giải pháp nhằm hình thành tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn.
“Các nước ASEAN có vai trò then chốt trong bối cảnh đó, và chúng tôi mong đợi nâng cao quan hệ đối tác với ASEAN lên tầm cao mới”, Tổng Thư ký Guterres nói.