Ngân hàng trung ương Indonesia đã bất ngờ tăng lãi suất trong ngày 24/4, tăng cường nỗ lực để hỗ trợ đồng Rupiah. Đồng nội tệ của Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, do lo ngại rủi ro toàn cầu gia tăng và sự trì hoãn nới lỏng lãi suất bất kể lúc nào của Mỹ.
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã quyết định tăng lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược thời hạn 7 ngày (giao dịch repo) thêm 25 điểm cơ bản lên 6,25%, mức cao nhất kể từ năm 2016.
Chỉ có 6/35 nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán BI tăng lãi suất, số còn lại cho rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên. Đây là lần tăng lãi suất tiếp theo kể từ lần gần nhất vào tháng 10 năm ngoái.
Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết: “Việc tăng lãi suất là để củng cố sự ổn định của đồng Rupiah trước những rủi ro toàn cầu đang trở nên xấu đi”.
Đồng Rupiah tăng giá ngay sau thông báo và tăng 0,4%, lên mức 16.150 Rupiah đổi 1 USD. Nhưng đồng tiền này vẫn giảm khoảng 4% trong năm nay do đồng USD mạnh lên.
Bình luận về đồng nội tệ, Thống đốc Warjiyo dự đoán đồng Rupiah sẽ duy trì ổn định quanh mức 16.200 Rupiah đổi 1 USD trong quý này, tăng lên khoảng 16.000 Rupiah đổi 1 USD trong quý tới và đạt mức 15.800 Rupiah đổi 1 USD trong quý 4 năm nay.
Ngân hàng trung ương đã phải can thiệp để bảo vệ tiền tệ, vốn giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư đang thay đổi dự đoán về quyết định cắt giảm lãi suất của Mỹ và lo ngại về xung đột tại Trung Đông.
Thống đốc Warjiyo cho biết BI dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 12. Nhưng ông cũng lưu ý đến rủi ro trì hoãn cắt giảm đến năm 2025. Mới chỉ hai tháng trước, BI còn dự đoán Mỹ cắt giảm lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản trong nửa sau của năm 2024.
Nhà kinh tế học Satria Sambijantoro tại Bahana Securities, người dự đoán đúng việc BI tăng lãi suất, cho biết việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất sẽ thu hẹp chênh lệch lợi suất, củng cố tài chính của Indonesia và cuối cùng là ổn định đồng Rupiah đang chịu áp lực.
Nhà phân tích Fakhrul Fulvian của Trimegah Securities cho rằng BI cần duy trì quan điểm diều hâu để đảm bảo những người tham gia thị trường rằng họ sẽ là người “dẫn đầu cuộc chơi” và hạn chế để đồng Rupiah mất giá.
Thống đốc BI Warjiyo cho biết, quyết định chính sách "hướng tới tương lai" cũng nhằm đảm bảo lạm phát vẫn nằm trong mục tiêu, trong khi BI tìm cách giảm thiểu tác động trong nước do giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng cao.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của tháng 3 của Indonesia đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng, mặc dù vẫn ở gần giữa trong phạm vi mục tiêu 1,5% - 3,5% của BI.
Đánh giá của BI cho thấy nền kinh tế Indonesia vẫn kiên cường. Ngân hàng trung ương giữ nguyên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ở mức 4,7% đến 5,5% trong năm nay, so với mức 5,05% của năm ngoái.
Theo Reuters