Thảm họa nhựa: Sản lượng gấp 2 sau 15-20 năm, 430 triệu tấn sản xuất/năm kéo theo 235 triệu tấn khí nhà kính, Mỹ không còn có thể xuất khẩu phế liệu sang Trung Quốc

Thế giới đang gặp vấn đề với nhựa.

Nước Mỹ gặp vấn đề với nhựa. Chúng ta phải làm gì đó với 40 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, khi mà số lượng này gần như đủ để nhấn chìm toàn bộ Manhattan ở độ sâu 1 mét.

Câu trả lời rất đơn giản: Đổ phần lớn vào bãi phế liệu và biến phần còn lại trở thành vấn đề của người khác.

Theo BI, Mỹ xuất khẩu 7 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm sang Trung Quốc. Một số được nấu chảy. Phần còn lại bị thiêu hủy hoặc chôn cất.

Tuy nhiên, vào năm 2018, Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu nhựa. Mỹ lúc này đối mặt một sự thật phũ phàng: Nhựa chưa bao giờ được thiết kế để tái chế và không có cách nào tạo ra lợi nhuận. Các tác động của chúng lên môi trường thì chính xác là thảm họa.

Theo BI, khoảng 430 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm, chiếm 14% nhu cầu dầu toàn cầu. Chỉ riêng việc tinh chế nhựa mỗi năm đã thải ra tới 235 triệu tấn khí nhà kính. Hầu hết sẽ phân hủy thành vi nhựa xâm nhập vào không khí, nước mưa và cơ thể con người. Gần 95% nguồn cung cấp nước của Mỹ có chứa vi nhựa.

Đáp trả động thái của Trung Quốc, Mỹ hiện đang nỗ lực tìm giải pháp thay thế. Một cách tiếp cận được các tập đoàn dầu mỏ như Chevron và Exxon đưa ra là biến nhựa thành dầu thô thông qua 150 nhà máy chuyên về nhiệt phân. Tuy nhiên, quá trình này vô hình chung lại thải ra các hạt độc hại và phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của chính phủ. Sản lượng nhựa thì tiếp tục tăng gấp đôi sau 15-20 năm.

Trong những năm sau Thế chiến thứ hai, nhựa tràn ngập thị trường như một sự thay thế rẻ tiền cho những vật liệu khan hiếm và hữu hạn. Đây được ca ngợi như một thời đại mới, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng giá rẻ trong những thập kỷ tiếp theo. Susan Freinkel đã viết trong cuốn sách “Nhựa: Câu chuyện tình yêu độc hại”: “Dòng dầu liên tục cung cấp nhiên liệu không chỉ cho ô tô mà còn cho cả nền văn hóa dựa trên việc tiêu thụ các sản phẩm mới làm từ nhựa”.

Nhựa, từ chỗ thực tế không tồn tại vào năm 1940, đã được tiêu thụ với tốc độ 30 pound/người/năm vào năm 1960. Nhanh chóng, nó trở thành mục tiêu của các phong trào môi trường phản đối rác thải, đại dương đầy rác và các bãi chôn lấp nhựa. Các công ty dầu mỏ và hóa chất phản ứng bằng cách xem xét liệu việc tái chế có thực tế hay quan trọng hơn tìm kiếm lợi nhuận hay không.

Tái chế là điều cần thiết để duy trì mức tiêu thụ quá mức. Các công ty như Coca-Cola và Nestlé dán nhãn “100% tái chế” và “100% có thể tái chế” trên khắp các bao bì. Mới năm ngoái, Hiệp hội Công nghiệp Nhựa còn phát động một chiến dịch quảng cáo trị giá hàng triệu USD có tên “Tái chế là có thật”, tuyên bố rằng hoạt động này không chỉ thực tế mà còn khả thi và tiết kiệm.

Đúng là “Tái chế là có thật”, song hầu hết nhựa đều không có được cuộc đời thứ hai bởi chi phí để làm sạch và phân loại rất tốn kém. Một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho thấy chỉ 9% tổng số nhựa từng được sản xuất được tái chế; 72% cuối cùng được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc môi trường.

Kể từ năm 2018, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và nhựa đã phải đối mặt với hai thực tế khắc nghiệt: Dầu dần bị loại bỏ để chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và chất thải nhựa không còn được xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển ở miền Nam nữa. Để thay thế lượng nhiên liệu thất thoát, các công ty dầu mỏ đang dồn hết sức vào nhựa. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán vào năm 2018 rằng các sản phẩm hóa dầu như nhựa sẽ vượt nhu cầu về dầu của xe tải, hàng không và vận chuyển vào năm 2050. Trong một báo cáo gần đây, ExxonMobil dự đoán rằng hóa dầu được sử dụng chủ yếu cho nhựa và phân bón sẽ chiếm gần như toàn bộ doanh thu của ngành dầu mỏ.

Thảm họa nhựa: Sản lượng gấp 2 sau 15-20 năm, 430 triệu tấn sản xuất/năm kéo theo 235 triệu tấn khí nhà kính, Mỹ không còn có thể xuất khẩu phế liệu sang Trung Quốc- Ảnh 1.

Thế giới đang gặp vấn đề với nhựa.

Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng sản xuất nhựa, chúng phải có tính bền vững. Akron, Ohio, nơi chiếm khoảng 1/4 số công ty polyme trên cả nước, là điểm khởi đầu cho nỗ lực này. Được chính quyền Biden chỉ định là “trung tâm công nghệ” duy nhất ở Ohio, thành phố đã nhận được hàng chục triệu USD từ Đạo luật CHIPS để có thể tạo ra một nền kinh tế nhựa tuần hoàn.

Năm 2012, Alterra Energy khai trương cơ sở nhiệt phân nhựa quy mô lớn đầu tiên của Mỹ. Theo trang web của mình, công ty sẽ chuyển đổi “nhựa trở lại thành khối xây dựng ban đầu để sản xuất thành phẩm mới và các sản phẩm có giá trị khác”. Dầu thô do Akron sản xuất thì được chuyển đến các công ty hóa dầu trên toàn cầu để tinh chế và chế tạo thành nhựa mới. Tuy nhiên, không rõ quá trình này hiệu quả đến mức nào.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 bởi các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia đã phát hiện ra rằng, tác động kinh tế và môi trường của việc biến dầu nhiệt phân trở lại thành nhựa thực sự tồi tệ hơn nhiều so với việc sản xuất nhựa mới. Nhiều chất ô nhiễm gây ung thư sẽ thải qua trong quá trình này, chẳng hạn như thủy ngân, benzen và asen.

Vicky Abou-Ghalioum, nhà tổ chức hóa dầu hàng đầu của Mạng lưới môi trường Buckeye, đã làm việc với người dân Akron. Họ lo ngại về tác động đối với môi trường và sức khỏe từ công cuộc tái chế hóa chất. “Mọi người ngại nói về nhựa. Tổ chức đã thúc đẩy EPA giải quyết việc xây dựng các cơ sở nhiệt phân theo kế hoạch ở Ohio, lập luận rằng chúng có hại cho môi trường và con người, thậm chí không mang lại lợi nhuận”.

Trong một tuyên bố với Business Insider, Alterra Energy cho biết cơ sở Akron của họ có lãi và đã chuyển hơn 100.000 pound nhựa mỗi ngày ra khỏi các bãi chôn lấp. Công ty cho biết: “Chúng tôi hoạt động trong một ngành được quản lý chặt chẽ và tuân thủ các yêu cầu đó”.

Bất chấp những vấn đề của nhiệt phân, nhiều nhà sản xuất ca ngợi đây như một phép màu bền vững. Các công ty như Eastman Chemical Co. coi tái chế hóa chất là giải pháp tái chế 50% bao bì nhựa vào năm 2025. Hội đồng Hóa học Mỹ cũng khẳng định ngành công nghiệp đang phát triển này là cần thiết để thúc đẩy vòng tuần hoàn của nhựa.

Tuy nhiên, ngay sau đó, những công ty này lại phải đối mặt với một trận chiến khó khăn.

Cựu Thị trưởng Mike Bloomberg của Thành phố New York đã phát động chiến dịch trị giá 85 triệu USD vào năm 2022 để ngăn chặn hơn 120 cơ sở hóa dầu được đề xuất. Bloomberg cho biết trong một tuyên bố: “Các nhà máy hóa dầu đầu độc không khí và nước của chúng ta – giết chết người Mỹ và gây hại cho sức khỏe của toàn bộ cộng đồng”.

Một báo cáo năm 2023 của Beyond Plastics và Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế cho thấy, 11 cơ sở nhiệt phân đang hoạt động ở Mỹ cần có nguồn trợ cấp lớn và hầu hết không thể hoạt động hết công suất. Dựa trên những phát hiện của mình, họ lập luận rằng nhiệt phân cuối cùng là “một sự xao lãng trong quan hệ công chúng nhằm ngăn chặn các quy định về nhựa và thúc đẩy lợi nhuận của ngành hóa dầu”.

Mọi thứ không hẳn là không có hy vọng.

Đầu năm 2022, Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết được cho là có thể gây ra làn sóng chấn động toàn cầu. Các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng môi trường và đại diện Liên Hợp Quốc đồng ý chấm dứt mọi tình trạng ô nhiễm nhựa bằng một hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm nay.

Espen Barth Eide, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy lúc bấy giờ cho biết trong thông báo: “Ô nhiễm nhựa đã trở thành một loại dịch bệnh. Với nghị quyết ngày hôm nay, chúng tôi đã đi đúng hướng để tìm ra phương pháp chữa trị”.

“Việc giảm sản xuất nhựa là hoàn toàn có thể thực hiện được”, Abou-Ghalioum, đại diện Mạng lưới Môi trường Buckeye nói và chỉ ra hơn 500 thành phố và 12 tiểu bang đã cấm túi nhựa.

Theo: BI

Link nội dung: https://asean24h.net/tham-hoa-nhua-san-luong-gap-2-sau-15-20-nam-430-trieu-tan-san-xuatnam-keo-theo-235-trieu-tan-khi-nha-kinh-my-khong-con-co-the-xuat-khau-phe-lieu-sang-trung-quoc-68491.html