Nga ra "tối hậu thư" cho Mỹ về việc tịch thu tài sản

() - Nga có thể giáng cấp quan hệ với Mỹ nếu Washington tịch thu tài sản của Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo.

Nga ra tối hậu thư cho Mỹ về việc tịch thu tài sản - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov (Ảnh: CGTN).

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 25/4 cảnh báo, Nga có thể đáp trả về mặt kinh tế và chính trị nếu Mỹ và phương Tây tịch thu tài sản của Nga.

"Tất nhiên, hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao là một trong những lựa chọn. Nhiều đại diện cấp cao trong chính phủ của chúng tôi đã đưa ra đề xuất về các biện pháp đáp trả kinh tế, tài chính đối với phương Tây", ông Ryabkov nói.

Nhà ngoại giao Nga cho biết thêm: "Chúng tôi đang xem xét các biện pháp thích hợp đáp trả nhằm vào tài sản của các đối thủ phương Tây cũng như các biện pháp đáp trả ngoại giao".

Ông không nêu rõ việc hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao có thể dẫn tới điều gì. Trước đó, Điện Kremlin nói rằng, quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện đã ở mức thấp dưới 0 mặc dù chưa có sự hạ cấp chính thức nào về quan hệ kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.

Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga như một phần của các lệnh trừng phạt việc Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hầu hết số tài sản đó đang được nắm giữ ở Liên minh châu Âu (EU).

Washington từ lâu đã chủ trương tịch thu các tài sản đó để hỗ trợ Ukraine đối phó Nga và tái thiết đất nước. Gần đây nhất, Hạ viện Mỹ cuối tuần trước thông qua dự luật cho phép tịch thu tài sản đóng băng của Nga.

Dự luật này cho phép Tổng thống Mỹ tịch thu tài sản Nga đang giữ trong các ngân hàng Mỹ và chuyển cho Ukraine. Hơn 6 tỷ USD trong số 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga nằm trong các ngân hàng Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul, người hoài nghi về đề xuất này, đã cảnh báo hồi đầu năm nay rằng động thái này sẽ là "một hành động chiến tranh kinh tế".

Các quan chức ở một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, đã nhất quyết yêu cầu tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga bất chấp những lo ngại rằng điều này sẽ vấp phải thách thức pháp lý.

Trong khi đó, EU miễn cưỡng làm như vậy vì lo Nga trả đũa. Các quốc gia EU, những nước đang nắm giữ phần lớn các quỹ bị đóng băng, được cho là lo ngại việc tịch thu tài sản Nga sẽ gây bất ổn cho đồng euro.

Điện Kremlin cảnh báo, Moscow đã có sẵn danh sách các tài sản của Mỹ và châu Âu để tịch thu trong trường hợp phương Tây quyết định tịch thu tài sản của Nga.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm, Mỹ và các nước châu Âu đã ra sức viện trợ cho Kiev và áp lệnh trừng phạt Nga. Mỹ là bên viện trợ nhiều nhất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/4 đã ký thông qua dự luật cấp gần 61 tỷ USD cho Ukraine sau nửa năm nguồn viện trợ bị đình trệ.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cũng tiết lộ, Washington đã bí mật chuyển Hệ thống Tên lửa Chiến thuật tầm xa (ATACMS) có tầm bắn 300km cho Kiev. Ukraine được cho là đã lần đầu tiên sử dụng vũ khí này vào tuần trước để tấn công một căn cứ quân sự của Nga trên bán đảo Crimea.

Phản ứng về thông tin trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, đây là vũ khí nguy hiểm và chỉ gây thêm rắc rối cho Ukraine, song không thể thay đổi tình hình.

"Mỹ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này. Họ đang đi theo con đường tăng phạm vi hoạt động của hệ thống vũ khí mà họ cấp cho Ukraine. Điều này về cơ bản sẽ không thay đổi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu. Nhưng điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn cho chính Ukraine", ông Peskov nói.

Link nội dung: https://asean24h.net/nga-ra-toi-hau-thu-cho-my-ve-viec-tich-thu-tai-san-68506.html