Hãng tin CNN cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua đạo luật TikTok phải cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, chấp nhận bán mình hoặc rời khỏi thị trường Mỹ trong vòng 9 tháng (khoảng 270 ngày).
Trong khi nhiều người nghĩ về một dấu chấm hết cho mạng xã hội khổng lồ đến từ Trung Quốc thì nhiều người đã bắt đầu đặt câu hỏi Tiktok đáng giá bao nhiêu tiền và những ông lớn nào ở Mỹ có thể mua lại thương hiệu này từ tay ByteDance.
100 tỷ USD
Nguồn tin thân cận của tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay những giám đốc cấp cao tại ByteDance ước tính tổng giá trị TikTok trên thị trường toàn cầu ngoài Trung Quốc có thể lên đến hơn 100 tỷ USD, tương đương một nửa giá trị của tập đoàn mẹ.
Với mức giá 160 USD/cổ, tổng giá trị ước tính của ByteDance vào khoảng 268 tỷ USD. Tuy nhiên, hãng này còn nắm giữ nhiều mảng kinh doanh ngoài Tiktok, đồng thời còn cả mạng xã hội Douyin, một TikTok phiên bản Trung Quốc.
Ngoài ra, con số cụ thể là rất khó dự đoán vì nhiều yếu tố. Đầu tiên Tiktok tự hào có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu nhưng lệnh cấm mới đây chỉ áp dụng tại Mỹ, nơi chỉ có 170 triệu người dùng.
Tiếp đó, nếu TikTok bắt buộc phải bán để có thể hoạt động tại Mỹ thì thuật toán, thứ công thức bí mật làm nên thành công của mạng xã hội này có đi kèm theo hay không cũng là vấn đề.
Việc tiết lộ thuật toán có thể ảnh hưởng đến hoạt động của TikTok ở cả những thị trường khác khi tạo nên các đối thủ tiềm năng tại Mỹ.
Xin được nhắc lại rằng thuật toán của TikTok nằm trong chính sách bảo mật, kiểm soát xuất khẩu mà Trung Quốc mới thông qua vào năm ngoái. Điều này đồng nghĩa ByteDance nhiều khả năng sẽ không thể bán thuật toán của mình cho nước khác.
Một số người dự đoán tổng giá trị TikTok có thể đạt 110 tỷ USD, tương đương gấp 5 lần tổng doanh thu từ quảng cáo và livestream của nền tảng này năm 2023.
Tờ WSJ nhận định nếu TikTok chấp nhận bán mình thì sẽ phải tốn rất nhiều tháng để đàm phán, đó là chưa kể chắc chắn nền tảng này sẽ kháng cáo lên tòa án về phán quyết của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tương tự như những gì họ đã làm với quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump trước đây.
Bên cạnh đó, việc TikTok đã có lãi hay chưa cũng là vấn đề khi CEO Shou Zi Chew vào tháng 3/2023 đã thừa nhận rằng hãng chưa có lợi nhuận vì đang phải đổ hàng tỷ USD đầu tư hệ sinh thái tại Mỹ và Châu Âu.
Thêm nữa, việc chia tách TikTok ở Mỹ với phần còn lại thế giới cũng có thể khiến ứng dụng này đi đến bờ vực đổ vỡ. Trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất và tiềm năng nhất của TikTok thì việc người mua-bán ở đây và bên ngoài nước Mỹ không thể liên hệ nhau qua nền tảng này sẽ khiến ứng dụng trở nên mất giá trị.
"Nếu bạn là một người dùng Mỹ thì vẫn có thể mua bán hàng tại Châu Âu trên TikTok. Thế nhưng nếu luật mới thông qua thì tại sao mọi người lại phải sử dụng một nền tảng chẳng thể liên thông với nền kinh tế lớn nhất toàn cầu?", CEO Chew thừa nhận.
Vào tháng 3/2023, TikTok đã xây dựng chuỗi cung ứng thương mại điện tử tại Mỹ và kỳ vọng đạt 17,5 tỷ USD tổng giá trị giao dịch hàng hóa trong năm 2024.
Ai dám mua?
Câu hỏi quan trọng tiếp theo là nếu TikTok chấp nhận bán mình thì ai sẽ đủ khả năng và dám mua "con quái vật" này.
Theo CNN, những cái tên như Mark Zuckerberg hay Sundar Pichai chắc chắn sẽ bị gạch khỏi danh sách khi cả Meta (Facebook) và Alphabet (Google) đều đang gặp rắc rối với chính phủ Mỹ về luật chống độc quyền.
Meta từng phải đối mặt với Ủy ban thương mại Mỹ (FTC) khi mua lại Instagram và WhatsApp. Hiện cơ quan này vẫn đang theo dõi và tìm cách chia tách đế chế của Mark Zuckerberg nên vị tỷ phú này chắc chắn sẽ không dám tốn hơn 100 tỷ USD để mua lại TikTok.
Thêm vào đó, việc đốt quá nhiều tiền cho trí thông minh nhân tạo (AI) đang khiến cổ đông giận dữ và Mark Zuckerberg còn đang bận trấn an mọi người thay vì chạy đua cho dự án mới.
Câu chuyện cũng tương tự với Google khi hãng phải đối mặt Bộ tư pháp Mỹ vì luật chống độc quyền trong mảng công cụ tìm kiếm.
Tương tự, những ông lớn như Amazon, Microsoft đều sẽ vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ nếu bành trướng thâu tóm TikTok.
"Nếu Amazon, Microsoft, Google hay Meta muốn mua TikTok thì họ nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với luật chống độc quyền. Nếu những cái tên như Intel, Cisco hay Oracle xuất hiện thì tôi không chắc. Còn nếu Verizon, AT&T muốn mua thì lại chẳng có vấn đề gì", Cựu quan chức Gên Kimmelman của Bộ tư pháp Mỹ chuyên trách mảng luật chống độc quyền cho hay.
Microsoft mới thâu tóm được Activision Blizzard, thương vụ sáp nhập thuộc hàng lớn nhất lịch sử công nghệ, sau cuộc tranh cãi nảy lửa với FTC nên chắc chắn tập đoàn này sẽ không động vào TikTok dù cái tên này từng là ứng cử viên tiềm năng năm 2020 khi Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định tương tự.
Một cái tên nữa được nhắc đến là Apple nhưng chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ nhà táo khuyết lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ Trung Quốc. Hiện 95% sản phẩm được sản xuất và khoảng 1/5 doanh thu của Apple đến từ Trung Quốc.
Tệ hơn, doanh số iPhone đã giảm gần 20% tại Trung Quốc trong quý I/2024 và trong bối cảnh đó, CEO Tim Cook chắc chắn không muốn mạo hiểm gây hấn với TikTok.
Tương tự, CEO Elon Musk của Tesla cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc khi nơi đây chiếm 50% doanh số và 20% công suất của hãng xe điện này.
Rất rõ ràng, chưa nói đến việc liệu TikTok có kháng cáo hay không và sẽ được định giá bao nhiêu, việc có đủ sức mua lại nền tảng này và chống lại sự theo dõi của chính phủ Mỹ cũng là một vấn đề khiến nhiều tập đoàn công nghệ chùn bước.
*Nguồn: CNN, WSJ