Theo đó, mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9, khoản 2 và khoản 4 Điều 15 của Luật này; thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.
Giá trị sử dụng của căn cước điện tử
Điều 33 của Luật quy định rõ căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Các trường hợp khóa, mở khóa căn cước điện tử
Luật quy định căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây: Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; Khi người được cấp căn cước điện tử chết; Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây: Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 yêu cầu mở khóa; Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 được trả lại thẻ căn cước; Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 34 yêu cầu mở khóa.
Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 34, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.
Kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử
Ngoài ra, Luật cũng quy định việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử, như sau:
Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua nền tảng định danh và xác thực điện tử.
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia, trang thông tin định danh điện tử, thẻ căn cước bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với tổ chức, cá nhân khác qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://asean24h.net/cac-truong-hop-khoa-va-mo-khoa-can-cuoc-dien-tu-tu-17-68703.html