Nhan sắc huyền thoại của màn ảnh Việt
NSND Trà Giang được xem là "huyền thoại" của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bà sở hữu nhan sắc xinh đẹp, đôi mắt biết nói, to đen, sâu thẳm như ẩn chứa nhiều câu chuyện cùng lối diễn xuất tài tình. Tên tuổi của Trà Giang gắn liền với những bộ phim bất hủ như Một ngày đầu thu, Dòng sông hoa trắng, Chị Tư Hậu, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội...
Sinh năm 1942 trên miền đất Quảng Ngãi, cuộc đời Trà Giang gắn liền với nghệ thuật từ năm lên 10 tuổi. Thừa hưởng năng khiếu từ cha là NSƯT Nguyễn Văn Khánh, bà sớm có niềm đam mê nghệ thuật và thi đỗ vào trường múa vào năm 17 tuổi.
Chính NSƯT Nguyễn Văn Khánh đã động viên và đưa nghệ sĩ Trà Giang rẽ hướng sang diễn xuất. Và không phụ sự kỳ vọng của cha, nghệ sĩ Trà Giang đã vượt qua vòng thi tuyển để nằm trong thế hệ diễn viên đầu tiên của Trường điện ảnh cùng với các nghệ sĩ như Minh Đức, Thụy Vân, Kim Chi...
Năm 1962, Trà Giang lần đầu chạm ngõ điện ảnh qua bộ phim Một ngày đầu thu. Nhân vật chị Kiên - một người phụ nữ dịu dàng, đôn hậu của nữ nghệ sĩ gây ấn tượng mạnh với khán giả, mở đường cho bà có những vai diễn thành công tiếp theo.
Sau này, Trà Giang tiếp tục có nhiều vai diễn gây tiếng vang trong các bộ phim về đề tài Cách mạng như Chị Tư Hậu, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội... Nhiều bộ phim đã giúp bà đạt được các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Trong đó, với vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên, nghệ sĩ Trà Giang đã giành Huy chương bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963. Đây cũng là vai diễn kinh điển nhất trong sự nghiệp của bà.
Vì có nhiều đóng góp to lớn cho nghệ thuật nước nhà, nghệ sĩ Trà Giang đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1984. Bà cũng là nữ diễn viên đầu tiên vinh dự được nhận danh hiệu này.
Tuy vậy từ khoảng năm 1989, NSND Trà Giang dần vắng bóng trên màn ảnh. Nữ nghệ sĩ chia sẻ lý do khiến bà ngừng đóng phim là vì không thể tìm được vai diễn ưng ý.
Nhiều năm qua, NSND Trà Giang sống tại căn hộ chung cư ở quận 3. Bà giữ thói quen xem phim dài tập đến tối muộn, thức dậy lúc 6 giờ sáng, bắt đầu ngày mới bằng việc tập thể dục, uống trà, ăn sáng rồi làm việc.
Nghệ sĩ chủ yếu dành thời gian cho hội họa. Nếu ngày nào không khỏe, bà nghỉ ngơi, xem tivi, gọi điện cho bạn bè tám chuyện. Khi có việc ra ngoài, bà đặt xe ôm công nghệ hoặc nhờ người đưa đón.
Trà Giang thấy may mắn vì tuổi này còn minh mẫn, sức khỏe tốt hơn nhiều người. Mỗi tháng bà đều đến bệnh viện Thống Nhất thăm khám và nhận thuốc.
NSND Trà Giang là một người phụ nữ đôn hậu, dịu dàng. Bà sống dung dị, gần gũi dù là người nổi tiếng. Cả cuộc đời, Trà Giang chỉ có yêu một người duy nhất là chồng - cố Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Bà bảo ông là tình đầu và cũng là tình cuối của bà.
NSND Trà Giang dành nhiều tình yêu và sự cảm phục chồng. Trong mắt bà, ông là người luôn thấu hiểu và hết lòng yêu thương vợ. Họ có với nhau một cô con gái tên Bích Trà, cũng đi theo nghiệp âm nhạc của cha. Từ năm 14 tuổi, Bích Trà đã sang Nga học tập, hiện đang là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở nước ngoài.
Năm 1999, nghệ sĩ Bích Ngọc đột ngột qua đời vì bạo bệnh, để lại cho NSND Trà Giang nỗi đau đớn khôn nguôi. Sau khi chồng qua đời, bà không đi bước nữa.
Ngần ấy năm trôi qua, sự cô quạnh trong bà nguôi ngoai phần nào. Song, hễ nhìn từng đồ vật, nơi chốn thân quen, nỗi nhớ chồng thỉnh thoảng lại nhói lên trong lòng.
Lâu dần nghệ sĩ tập chấp nhận nỗi buồn, đứng lên sau vài lần gục ngã. Bà tin dẫu cuộc sống thế nào cũng phải bằng lòng. Bởi nếu cứ day dứt, vùi đầu vào quá khứ mãi, người ta chỉ tự làm khổ bản thân.
Cứ cách 1-2 tháng, con gái Bích Trà lại về nước làm việc kết hợp thăm mẹ. Ở xa nhà, con gái yên tâm phần nào khi thấy đấng sinh thành vui khỏe.
Nhiều người nghĩ hạnh phúc của người già là được quây quần con cháu, gia đình, còn Trà Giang hiểu điều này không có và không thể với hoàn cảnh của mình.
Hội họa cứu rỗi, khỏa lấp nỗi niềm
Khi nhắc về thời hoàng kim của nghề diễn viên, đôi mắt Trà Giang ánh lên niềm vui sướng. Giải nghệ từ năm 1989, nữ nghệ sĩ luôn khắc ghi ký ức về thời vàng son.
Sau khi từ giã màn ảnh, NSND Trà Giang chuyển sang niềm đam mê sang hội họa. Thường ngày, bà dành phần lớn thời gian để vẽ tranh, bởi hội hoạ giúp bà không cảm thấy cô đơn.
Nữ nghệ sĩ tâm sự bà vẽ rất nhiều tranh về phong cảnh biển và hoa. Bà đã tham gia nhiều triển lãm cùng các họa sĩ Tp.HCM, đồng thời 3 lần tổ chức triển lãm cá nhân. Ngoài hội họa, nghệ sĩ Trà Giang còn thích đi chơi và du lịch đây đó.
Dù đã hơn 30 năm không đóng phim, nhưng NSND Trà Giang vẫn giữ tình yêu với nghề, luôn theo dõi và ủng hộ những bộ phim của nước nhà. Bà thường xuyên góp mặt trong các sự kiện lớn, đặc biệt là các Liên hoan phim Việt Nam nhiều năm qua.
Mới đây, NSND Trà Giang đã đến tham dự sự Lễ khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại Đà Lạt. Tại đây, bà có dịp hội ngộ nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, diễn viên Thanh Loan "Biệt động Sài Gòn".
Hơn 30 năm qua, Trà Giang có thêm niềm vui mới – hội họa. Từ suy nghĩ ban đầu dạo chơi, giờ đây bà đã có hàng trăm bức vẽ đủ thể loại, lấy cảm hứng từ phụ nữ, phim ảnh, vùng đất bà đã đi qua suốt thời tuổi trẻ.
Nghệ sĩ tếu táo bảo “vớ” được hội họa như thú vui cứu rỗi sau khi rời điện ảnh. Trà Giang không dám nhận là họa sĩ, chỉ xem mình là diễn viên vẽ. Dù vậy, đến nay bà có nhiều thành tích đáng tự hào qua 10 cuộc triển lãm nhóm, 4 cuộc triển lãm cá nhân.
Dịp đầu năm, bà gửi tặng bức tranh sơn dầu Lau trên đèo Vi ô lắc - lấy cảm hứng từ phong cảnh Quảng Ngãi - để bán đấu giá gây quỹ thiện nguyện, thu về 270 triệu đồng.
Với Trà Giang, hội họa từ lâu là người bạn, giúp bà giãi bày, tâm sự mỗi ngày để khỏa lấp đi nỗi niềm đôi khi khó cất thành lời.
Tổng kết cuộc đời hơn 80 năm, Trà Giang dùng 2 từ “mãn nguyện”. Vì nhìn đời, nhìn người qua con mắt lạc quan, nghệ sĩ tự thấy cuộc đời lúc này bình lặng, hạnh phúc.
Tùng Lâm (t/h)
Link nội dung: https://asean24h.net/chi-tu-hau-tra-giang-tuoi-82-song-gian-don-lam-ban-cung-hoi-hoa-68892.html