Trung Quốc công bố video mới nhất về căn cứ Mặt trăng: Soi kỹ, phát hiện chi tiết kỳ lạ - chỉ dài 1 giây

Chi tiết kỳ lạ này chỉ xuất hiện đúng 1 giây!

Ngày 1/5, Space thông tin, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã trình chiếu một video CGI về tầm nhìn của họ về căn cứ Mặt trăng - một kế hoạch đầy tham vọng mà nước này hy vọng sẽ hiện thực hóa trong vài thập kỷ tới.

Những hình ảnh từ video CGI (Computer-Generated Imagery - công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) cho thấy nỗ lực tầm cỡ quốc tế cho Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) mà Trung Quốc và Nga công bố lần đầu tiên vào năm 2021.

Chi tiết lạ xuất hiện đúng 1 giây

Tuy nhiên, khi soi kỹ đoạn video thời lượng chưa đầy 1 phút này, Space phát hiện một chi tiết lạ: Một "vị khách mời đặc biệt" đó là tàu con thoi của NASA đang cất cánh từ bệ phóng trên Mặt trăng, gần ILRS. Con tàu chỉ xuất hiện đúng 1 giây.

Trung Quốc công bố video mới nhất về căn cứ Mặt trăng: Soi kỹ, phát hiện chi tiết kỳ lạ - chỉ dài 1 giây- Ảnh 1.

Tàu con thoi của NASA (góc phải, phía trên ảnh) đang cất cánh từ bệ phóng trên Mặt trăng, gần ILRS. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA)

Không rõ vì sao Trung Quốc lại cho hình ảnh tàu con thoi của Mỹ vào đoạn video CGI của mình. Bởi tàu con thoi của NASA đã ngừng hoạt động 13 năm nay; chưa kể đến việc Trung Quốc NASA không có bất cứ mối quan hệ nào liên quan đến khám phá vũ trụ, Futurism thông tin.

Năm 2011, Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm NASA thực hiện bất kỳ hình thức hợp tác nào trong các dự án về không gian với Trung Quốc.

Sau khi phóng viên không gian Jack Kuhr của Space phát hiện ra điều này, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) do nhà nước điều hành đã làm mờ hình ảnh tàu con thoi trong đoạn video.

Trong nhiều thập kỷ, tàu con thoi của Mỹ đã trở thành một biểu tượng lớn của hoạt động khám phá không gian của con người. Chương trình tàu con thoi của NASA đã thực hiện tổng cộng 135 sứ mệnh không gian từ năm 1981 đến năm 2011.

Nỗ lực xây dựng ILRS đầy thử thách

Trở lại mục tiêu chính của đoạn video CGI về căn cứ Mặt trăng do Trung Quốc đi đầu thực hiện. Đoạn video cho thấy một số nhiệm vụ, bao gồm các hoạt động trả lại mẫu bề mặt, tàu đổ bộ và tàu thăm dò cũng như hỗ trợ các vệ tinh quỹ đạo. 

Trung Quốc công bố video mới nhất về căn cứ Mặt trăng: Soi kỹ, phát hiện chi tiết kỳ lạ - chỉ dài 1 giây- Ảnh 2.

Hình ảnh về tàu thăm dò Mặt trăng Chang'e-6. Nguồn: CNSA


Những điều này tương ứng với các nhiệm vụ đã được Trung Quốc lên kế hoạch của Chang'e-6 và 7 (Hằng Nga-6 và 7) vốn dự kiến phóng lần lượt vào tháng 5/2024 và vào năm 2027.

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết hôm 1/5 rằng tàu thăm dò Mặt trăng Chang'e-6 dự kiến được phóng vào ngày 3/5 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-5 Y8 từ Bãi phóng Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Tàu Chang'e-6 được thiết lập để thu thập các mẫu từ phía xa của Mặt trăng. Đây sứ mệnh đầu tiên thuộc loại này trong lịch sử loài người.

Cùng với Chang'e-8, những nhiệm vụ tiền đề này sẽ tạo thành mô hình cơ bản của ILRS vào khoảng năm 2028. Nhiệm vụ tiếp theo sẽ là thông tin liên lạc, sản xuất điện và cơ sở hạ tầng khác, sẽ được xây dựng và phát triển thành một tiền đồn Mặt trăng rộng lớn, có người ở.

Theo báo cáo của Trung Quốc, dự án được hình dung là một cơ sở thử nghiệm khoa học toàn diện, sẽ tổ chức các hoạt động nghiên cứu liên ngành và đa mục tiêu, tập trung vào việc thăm dò và sử dụng Mặt trăng trong tương lai. 

ILRS được kỳ vọng có khả năng hoạt động độc lập lâu dài, trên bề mặt Mặt trăng hoặc trên quỹ đạo Mặt trăng.

Space News thông tin, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu sáng kiến xây dựng căn cứ trên Mặt trăng và cố gắng thu hút các đối tác quốc tế cho nỗ lực này. 

Cho đến nay, Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) có 9 quốc gia thành viên: Trung Quốc, Nga, Venezuela, Pakistan, Azerbaijan, Belarus, Nam Phi, Ai Cập, Thái Lan và Nicaragua. Nỗ lực khổng lồ này cũng bao gồm một số thành viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc công ty trên toàn thế giới.

Tham khảo: Space, Futurism, CGTN

Link nội dung: https://asean24h.net/trung-quoc-cong-bo-video-moi-nhat-ve-can-cu-mat-trang-soi-ky-phat-hien-chi-tiet-ky-la-chi-dai-1-giay-69153.html