'Nền kinh tế phụ nữ' bùng nổ ở Trung Quốc

Suốt nhiều năm qua, cô Lucy Nan, cư dân Quảng Châu, đã dành phần lớn thu nhập cá nhân để thoả mãn niềm đam mê lớn nhất của mình – sưu tầm đồ thủ công như đồ cổ gia đình đến tranh vẽ.

'Nền kinh tế phụ nữ' bùng nổ ở Trung Quốc- Ảnh 1.

Quy mô người tiêu dùng nữ của Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, người phụ nữ 49 tuổi chưa lập gia đình thậm chí còn thuê một biệt thự nhỏ trị giá khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.379 USD)/tháng chỉ để trưng bày bộ sưu tập của cô - như gốm sứ châu Âu, đồ sơn mài Nhật Bản.

“Phải nói rằng tôi khá coi trọng bản thân trong cuộc sống hàng ngày và chi tiêu. Tôi sẵn sàng trả 2.000 nhân dân tệ để được thưởng thức đồ ăn tại một nhà hàng sang trọng”, cô Nan, người từng du học Australia nhưng đã trở về nước sau khi tốt nghiệp, chia sẻ.

Mặc dù kiếm sống bằng nghề viết văn tự do và buôn đồ cổ - công việc không có thu nhập ổn định, Nan cho biết cuộc sống của cô khá tốt khi cô hoàn toàn tập trung cho bản thân.

Nan chỉ là một trong số nhiều phụ nữ Trung Quốc, với trình độ học vấn được cải thiện, khả năng tài chính tốt hơn và lối sống đa dạng, đang hào phóng hơn trong việc đầu tư cho hạnh phúc của bản thân, thúc đẩy nền “nền kinh tế phụ nữ” ngày càng phát triển ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần ổn định kỳ vọng về thu nhập để tận dụng tối đa lợi thế của người tiêu dùng nữ. Đây một trong những nhóm người tiêu dùng có ảnh hưởng nhất thế giới, khi nước này tìm cách chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư sang mô hình phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng.

Trong cuộc điều tra dân số năm 2020, một cụm từ đã được đặt ra để mô tả tác động ngày càng tăng của phụ nữ đối với nền kinh tế, được gọi gọi là “she-conomy” - nền kinh tế phụ nữ ở Trung Quốc - được hỗ trợ bởi nữgiới trong độ tuổi lao động, khoảng 433 triệu người.

'Nền kinh tế phụ nữ' bùng nổ ở Trung Quốc- Ảnh 2.

Video bán hàng phát trực tiếp ở Tongxiang, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nhóm này đóng vai trò dẫn đầu trong chi tiêu cá nhân và mua sắm gia đình ở Trung Quốc. Vào năm 2022, mức tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng nữ cao hơn 5,51% so với nam giới trên JD.com, một trong những nền tảng vận chuyển trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc.

Bà Keiyou Wang tại Công ty nghiên cứu thị trường Mintel cho biết: “Ảnh hưởng của người tiêu dùng nữ đối với tổng mức tiêu dùng của Trung Quốc không chỉ nằm ở sức mua lớn, mà còn cả vị thế ngày càng tăng và khả năng kích thích sức mua chi tiêu của họ”.

Bà nói thêm rằng so với nam giới, sở thích của phụ nữ Trung Quốc đối với những thứ “không cần thiết”, bao gồm hàng hóa và dịch vụ mua để kỷ niệm tất cả các ngày đặc biệt, đang tiếp thêm sức sống cho thị trường.

Theo Shen Jiake, tiểu thuyết gia nổi tiếng dành cho phụ nữ và là nhà bình luận độc lập có lượng lớn phụ nữ theo dõi, một phần quan trọng của xu hướng này đến từ nhận thức ngày càng tăng của phụ nữ về việc đối xử tốt với bản thân.

Shen nhận thấy rằng trong những năm gần đây, nhiều độc giả nữ hầu hết đã kết hôn của cô đang chi tiêu cho bản thân nhiều hơn.

“Một bà nội trợ nói với tôi rằng trước đây, 70% chi tiêu gia đình của cô ấy là dành cho con cái, nhưng bây giờ cô ấy chỉ dành 30% cho chúng, phần còn lại dành cho bản thân”, tiểu thuyết gia Shen nói và cho biết xu hướng khá rõ ràng là phụ nữ đang tập trung nhiều hơn vào bản thân và trở nên độc lập hơn trong chi tiêu.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường Wang cũng cho hay bên cạnh sở thích truyền thống về quần áo và trang điểm, phụ nữ Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sự quan tâm đến các lĩnh vực mới mà theo truyền thống nam giới thống trị, bao gồm ô tô và trò chơi.

'Nền kinh tế phụ nữ' bùng nổ ở Trung Quốc- Ảnh 3.

Phụ nữ Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm đến các lĩnh vực mới mà theo truyền thống nam giới thống trị, bao gồm ô tô và trò chơi. Ảnh: AP

Trích dẫn báo cáo gần đây của Mintel về thị trường bán lẻ ô tô Trung Quốc, Wang cho biết người tiêu dùng nữ đang quan tâm hơn đến cấu hình thông minh - bao gồm việc tích hợp các thiết bị điện tử, cảm biến và phần mềm phức tạp - và có ngân sách cao hơn nam giới.

Hồi tháng 3, Goldman Sachs cho biết “nền kinh tế phụ nữ” ở Trung Quốc đang gia tăng cùng xu thế tương tự ở các nơi khác trên thế giới, khi ngày càng có nhiều phụ nữ trong những thập kỷ qua đạt được tiến bộ trong việc đảm nhận nhiều vai trò trước đây do nam giới thống trị.

“Năm 2023, chúng ta chứng kiến ‘womenomics’ – tác động và đóng góp ngày càng tăng của phụ nữ vào nền kinh tế toàn cầu – thúc đẩy tỷ trọng tăng trưởng kinh tế lớn hơn bao giờ hết. Giờ đây, chúng tôi tin rằng đã đến lúc thế giới phải đón nhận hoàn toàn kỷ nguyên ‘nền kinh tế phụ nữ’”, Goldman Sachs cho biết và chỉ ra rằng bộ phim Barbie về nữ quyền của Mỹ là bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới vào năm ngoái.

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường tiêu dùng nữ của Trung Quốc vẫn chưa được phát huy hết do xu hướng “thắt lưng buộc bụng” nói chung vẫn tồn tại trong bối cảnh niềm tin vào tăng trưởng kinh tế còn thấp do các vấn đề cơ cấu sâu xa, bao gồm cả sự bùng nổ của bong bóng tài sản và dân số già đi nhanh chóng.

Số liệu theo dõi người tiêu dùng hàng tháng của Mintel cho thấy bất kể giới tính, người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu hợp lý và thực tế, hiện tượng “chi tiêu trước” và “vượt quá ngân sách” đang giảm dần.

Nhưng phụ nữ vẫn sẵn sàng chi tiêu hơn nam giới. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Mintel về các hoạt động giảm căng thẳng, 64% người được hỏi cho biết “tiết kiệm tiền khiến tôi hạnh phúc hơn chi tiêu”, con số này là 68% ở nam giới.

Ông Xiao Lisheng, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết người tiêu dùng cần tăng thu nhập ổn định và cải thiện thị trường việc làm để cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu.

“Nền kinh tế đang trong quá trình ổn định, nhưng vẫn có mức độ không chắc chắn nhất định về sự ổn định đó, và điều này cũng đúng với tăng trưởng thu nhập. Vì vậy, tôi nghĩ vẫn cần thời gian để ‘mở khóa’ khả năng chi tiêu nhiều hơn”, ông nói.

Trung Quốc đã báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,2% vào năm ngoái. Bắc Kinh đang đặt mục tiêu duy trì tốc độ khoảng 5% trong năm nay, điều mà nhiều nhà kinh tế tin rằng sẽ là thách thức bất chấp mức tăng trưởng 5,3% trong quý đầu tiên.

Tiêu dùng đã đóng góp 82,5% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023. Giới chuyên gia dự đoán tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay do nhu cầu bị dồn nén vì năm 2023 là năm đầu tiên mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

Link nội dung: https://asean24h.net/nen-kinh-te-phu-nu-bung-no-o-trung-quoc-69186.html