Từ ngày 1/7, Luật Căn cước mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành.
Một trong những điểm mới của Luật Căn cước so với Luật Căn cước công dân là người dân sẽ tích hợp thông tin ADN, giọng nói, mống mắt vào trong cơ sở dữ liệu căn cước khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho hay việc thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt sẽ được thực hiện đối với người dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp căn cước mới từ ngày 1/7.
Việc thu nhận thông tin mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.
Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất. Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước.
Việc sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau như vân tay, ảnh khuôn mặt cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh.
Do đó, việc thu nhận thông tin mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.
Liên quan đến thông tin về ADN, giọng nói, đại diện C06 thông tin, Luật Căn cước quy định những thông tin này được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp.
Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước nêu rõ: "Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước".
Như vậy, từ ngày 1/7, trong thủ tục cấp căn cước, người tiếp nhận buộc phải thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp căn cước. Còn thông tin ADN, giọng nói là không bắt buộc.
Thông tin ADN, giọng nói được cung cấp dựa vào sự tự nguyện của người dân. Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định mới phải cung cấp ADN, giọng nói.
Theo VTC News, Luật Căn cước nêu rõ trách nhiệm về việc bảo mật dữ liệu của từng cơ quan, cá nhân.
Cụ thể, người được giao nhiệm vụ cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu có trách nhiệm kiểm tra thông tin, tài liệu của người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh thông tin; giữ gìn, bảo vệ thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật, điều chỉnh.
Đối với thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước phải tổ chức quản lý việc thu thập ADN, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu; phải kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin ADN, tài liệu đã cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ.
Như vậy, việc thu thập, bổ sung những dữ liệu ADN vào căn cước sẽ được Bộ Công an thực hiện đúng quy định, thông tin ADN căn cước được đảm bảo các yêu cầu bảo mật thông tin.
Luật Căn cước mới cũng quy định người dân không phải nộp lệ phí khi được cấp căn cước lần đầu. Như vậy, đối với các trường hợp người dân lần đầu cấp căn cước không phải nộp lệ phí.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://asean24h.net/lam-can-cuoc-tu-ngay-17-co-bat-buoc-thu-thap-adn-va-giong-noi-69198.html