Đề xuất quy định mới việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ

Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHNN cho biết, ngày 18/01/2024, Luật Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 (Luật Các TCTD năm 2024).

Trong đó, tại khoản 27 Điều 4 quy định: Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi và hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho tổ chức, cá nhân gửi tiền (sau đây gọi là người gửi tiền).

Tại điểm b khoản 2 Điều 114; điểm b khoản 2 Điều 119; điểm b khoản 2 Điều 124, điểm b khoản 1 Điều 125; khoản 1 Điều 131 quy định hoạt động phát hành trái phiếu thuộc hoạt động kinh doanh khác của TCTD.

Tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (Thông tư số 07/2014/TT-NHNN) quy định: Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng), cá nhân theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.

Như vậy, trên cơ sở rà soát các quy định có liên quan tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN và để phù hợp với các quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 nêu trên, NHNN cần ban hành Thông tư thay thế Thông tư 07/2014/TT-NHNN.

Theo đó, Dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tiền gửi bao gồm các hình thức nhận tiền gửi theo quy định tại khoản 27 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Đối tượng áp dụng: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, không bao gồm ngân hàng chính sách; tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng), cá nhân gửi tiền tại tổ chức tín dụng.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định tại Thông tư này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.

Đối với các thỏa thuận lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã được ký kết cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư này.

T.M

Link nội dung: https://asean24h.net/de-xuat-quy-dinh-moi-viec-ap-dung-lai-suat-doi-voi-tien-gui-bang-vnd-69218.html