Để giữ gìn sức khỏe khi công tác trên Mặt Trăng, phi hành gia có thể sử dụng Bức tường Tử thần

Thiết bị mang cái tên "chết chóc" có thể giúp cơ và xương phi hành gia được chắc khỏe.

Không gian ngoài Trái Đất không chỉ khắc nghiệt, nó còn bòn rút sinh lực từ các nhà du hành vũ trụ theo nhiều cách.

Bên cạnh những thử thách liên quan tới thực phẩm và bức xạ vũ trụ, môi trường ngoài Trái Đất còn khiến xương và cơ của phi hành gia tiêu biến, khiến sức khỏe các nhà du hành vũ trụ thuyên giảm khi trở lại Trái Đất. Tác động của vũ trụ tới sức khỏe con người là yếu tố lớn ngăn cản nhân loại định cư trên những thiên thể khác. Ngoài ảnh hưởng từ bức xạ, lực hấp dẫn yếu còn khiến cơ, xương và cả dây thần kinh trong cơ thể người tiêu biến theo thời gian.

Để giữ gìn sức khỏe khi công tác trên Mặt Trăng, phi hành gia có thể sử dụng Bức tường Tử thần- Ảnh 1.

Hiện tượng teo xương và cơ diễn ra trong môi trường ngoài Trái Đất được gọi là "atropy" - Ảnh: Internet.

Trong nỗ lực hóa giải vướng mắc kể trên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một phương pháp tập luyện mới, giúp các phi hành gia giữ được vóc dáng khi công tác trên Mặt Trăng. Được đăng tải trên tạp chí Royal Society Open Science, kết quả nghiên cứu mới đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia đang ráo riết tìm cách đưa các nhà khoa học lên Mặt Trăng.

Để ngăn trường hợp này, các nhà khoa học khuyến nghị các nhà du hành Mặt Trăng tương lai hãy tăng cường chạy bộ. Cụ thể, các phi hành gia nên tham gia chạy vài lần mỗi ngày trên một thiết bị độc đáo, chắc sẽ quen thuộc với những người thường đi xem biểu diễn xiếc bằng xe máy.

Phi hành gia tập chạy trên Bức tường Tử thần - Video: The Guardian.

“Pháp danh khoa học” của thiết bị này là “Wall of Death”, tạm dịch là “Bức tường Tử thần”, được dùng nhiều trong biểu diễn xe máy. Trong thử nghiệm mới, nhóm phi hành gia đã được treo lên bằng dây nhảy bungee, tiến hành chạy trên Bức tường Tử thần trong điều kiện mô phỏng lực hấp dẫn trên Mặt Trăng.

Nhóm người tham gia thử nghiệm không chỉ chạy đủ nhanh để chạy được trên tường, mà còn tạo ra được một lượng lực kéo ngang (nguyên văn: “lateral force”) để đối phó tình trạng tiêu biến cơ và xương.

“Tôi ngạc nhiên vô cùng vì chưa ai thử ý tưởng này”, Alberto Minetti, giáo sư sinh lý học công tác tại Đại học Milan cho hay. “Đây có thể là phương pháp tập luyện phù hợp [cho môi trường Mặt Trăng]”. Phương pháp này cũng dễ thực hiện hơn so với việc xây một căn cứ Mặt Trăng ly tâm giống như Trạm Vũ trụ Số Một trong phong 2001: A Space Odyssey.

Để giữ gìn sức khỏe khi công tác trên Mặt Trăng, phi hành gia có thể sử dụng Bức tường Tử thần- Ảnh 2.

Trạm vũ trụ giả tưởng trong tuyệt tác điện ảnh 2001: A Space Odyssey - Ảnh: Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), Stanley Kubrick Productions.

Theo tính toán của giáo sư Minetti và các cộng sự, trên Trái Đất, con người khó có thể chạy trên Bức tường Tử thần mà không ngã. Nhưng trong điều kiện lực hấp dẫn yếu của mặt Trăng, vốn chỉ bằng 1/6 Trái Đất, hoạt động này dễ hơn nhiều. Theo nhóm nghiên cứu, một phi hành gia chỉ cần chạy với tốc độ 12 km/h là đủ.

Để thử nghiệm, một cần cẩu với dây nhảy bungee đã treo hai nhà nghiên cứu lên, để họ chạy trên một Bức tường Tử thần rộng 10 mét; dây co giãn và cần cẩu giúp mô phỏng lực hấp dẫn yếu trên Mặt Trăng.

Kết hợp với dữ liệu có được từ máy chạy bộ, các nhà khoa học kết luận: chỉ cần chạy vài phút trên chiếc máy này hai lần vào hai buổi sáng, tối sẽ giúp tạo ra một lượng lực kéo ngang, hay nói cách khác là lực hấp dẫn nhân tạo, đủ lớn để giúp cơ và xương chắc khỏe, đồng thời bảo toàn hệ thần kinh vận động khỏi tiêu biến.

Và thay vì xây một Bức tường như vậy trên Mặt Trăng, các nhà du hành tương lai có thể chạy trong một tiền đồn được xây sẵn theo hình trụ với tường phẳng, để có thể tập luyện ngay trong nhà. Phương pháp nay đã khả thi, vì vậy các nhà nghiên cứu đang tiếp tục đặt câu hỏi: liệu bề mặt Mặt Trăng có đủ rộng rãi để xây dựng một tiền đồn tích hợp nhiều chức năng đến vậy.

Link nội dung: https://asean24h.net/de-giu-gin-suc-khoe-khi-cong-tac-tren-mat-trang-phi-hanh-gia-co-the-su-dung-buc-tuong-tu-than-69233.html