Đắk Lắk: Nông dân buồn lòng vì vải thiều được giá nhưng mất mùa

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều vườn vải thiều ở Đắk Lắk không ra hoa, tỷ lệ cây ra hoa thấp. Vải mất mùa khiến người nông dân thiệt hại về kinh tế.

Vì sao nhiều vườn vải thiều mất mùa?

Vải thiều của tỉnh Đắk Lắk nổi tiếng nhờ được thu hoạch sớm hơn so với các vùng trồng vải khác trên cả nước. Nhờ lợi thế này, vải Đắk Lắk luôn bán được giá cao, đặc biệt là đầu vụ thu hoạch, qua đó góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Hiện nay, các thương lái đang thu mua vải thiều từ 45-50.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với vụ thu hoạch năm 2023.

Tuy nhiên, năm 2024 lại là một năm khó khăn cho những người nông dân trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các vườn vải thiều đều bị mất mùa.

Chị Nông Thị Mai (thôn 5, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình chị có 2ha vải thiều nhưng dự kiến năm nay thu chưa được 1 tấn quả. Trong khi, năm ngoái, diện tích vải thiều của gia đình chị cho thu khoảng chục tấn.

Dân sinh - Đắk Lắk: Nông dân buồn lòng vì vải thiều được giá nhưng mất mùa

Nông dân như “ngồi trên đống lửa” vì vải thiều được giá nhưng mất mùa. 

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến vải thiều bị mất mùa, ông Nguyễn Văn Quý (thôn 1, xã Dang Kang, huyện Krông Bông) cho biết, năm nay, thời tiết nắng nóng khiến các vườn vải gần như không ra hoa, tỷ lệ cây ra hoa chỉ đạt khoảng 10%.

Không chỉ vậy, nắng nóng kéo dài cũng đã làm cho quả vải bị nấm, nứt và khô vỏ buộc phải cắt bỏ; nhiều trái bị chim chóc phá nên đến khi thu hoạch, số lượng vải chẳng còn là bao.

Ông Quý cho hay, gia đình ông trồng khoảng 5 sào vải u hồng từ năm 2018. Năm 2023, thời tiết thuận lợi, vườn vải đạt sản lượng khoảng 6 tấn quả, giúp gia đình ông thu lợi hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay, ước tính sản lượng cả vườn vải chỉ thu được khoảng 3 tạ quả, khiến gia đình ông thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Diện tích trồng vải của gia đình ông khoảng 5 sào, trồng giống vải u hồng từ năm 2018. Năm ngoái, thời tiết thuận lợi, vườn vải đạt sản lượng cao (khoảng 6 tấn quả) đã giúp gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Song, năm nay, thời tiết nắng nóng khiến vườn vải gần như không ra hoa, tỷ lệ cây ra hoa chỉ đạt khoảng 10%.

Cũng tại xã Dang Kang, gia đình Phạm Văn Hùng như “ngồi trên đống lửa” bởi năm năm nay vườn vải 1,5ha chỉ lác đác quả. Với mức giá 50.000 đồng/kg như hiện nay, số tiền bái vải chỉ đủ trả tiền phân bón. Trong khi đó, vụ thu hoạch năm 2023, vườn vải của gia đình cho thu hoạch gần 2 tấn quả.

Người dân không nên lơ là, bỏ bê vườn cây

Tại xã Hòa Thành (huyện Krông Bông), nhiều hộ dân cũng chung tình cảnh mất mùa, nhiều vườn vải nơi đây đều không có quả khiến người trồng thất thu.

Ông Hoàng Văn Vinh (thôn 1, xã Hòa Thành, huyện Krông Bông) chia sẻ, gia đình ông có 1ha trồng vải u hồng, với gần 300 gốc.

Với diện tích này, năm trước, ông Vinh thu được hơn 2 tấn vải. Năm nay, gia đình ông vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm bón, khoanh cây, xiết nước để thúc cây ra hoa, đậu quả như mọi năm. Thế nhưng, do ảnh hưởng của thời tiết khiến vải không ra hoa, đậu quả được. Trước tình hình này, ông Vinh phải tiến hành cắt cành, tạo tán giúp cây vải sớm phục hồi, tạo đà tiếp sức cho vụ mùa sau.

Dân sinh - Đắk Lắk: Nông dân buồn lòng vì vải thiều được giá nhưng mất mùa (Hình 2).

Toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 5.000ha cây vải.

Tương tự, gia đình bà Lương Thị Ngọc (xã Ea Pil, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng ngậm ngùi vì đến vụ thu hoạch nhưng 200 gốc vải u hồng chỉ toàn màu xanh của lá. Xác định vụ vải năm nay coi như mất trắng, gia đình bà Ngọc đang dồn lực chăm sóc vườn cây để chuẩn bị cho vụ sau.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’Drắk cho rằng, cây vải được người dân chọn trồng nhờ ưu thế quả chín sớm, giá cả ổn định. Năm nay, cây vải ít đậu quả do thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt. Trên địa bàn huyện M’Drắk có hơn 200ha vải nhưng vườn nào cũng giảm sản lượng, thậm chí không ít trường hợp bị mất trắng.

Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông khuyến cáo, dù năm nay thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng vải sụt giảm mạnh nhưng bà con không nên lơ là, bỏ bê vườn cây mà cần tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc, tưới dưỡng giúp cây vải sinh trưởng, phát triển tốt nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng vụ mùa sau.

Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông cũng chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải theo hướng thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://asean24h.net/dak-lak-nong-dan-buon-long-vi-vai-thieu-duoc-gia-nhung-mat-mua-69446.html