Cuộc tuyển chọn từ toàn quân
"Trong không khí tưng bừng của ngày chiến thắng, non sông tụ hội về đây kỷ niệm một trang sử hào hùng của dân tộc, đội hình diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay tái hiện khí thế hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu…", ngồi trên cabin hướng về phía đoàn diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thiếu tá Trần Thị Kim Thu - Đoàn Nghi lễ Quân đội, Bộ Tổng tham mưu - cất giọng thuyết minh, cùng 5 đồng đội dẫn dắt, giới thiệu các khối lực lượng tiến vào lễ đài ngày 7/5.
Giọng đọc giàu cảm xúc của tổ dẫn diễu binh khiến người nghe trào dâng niềm xúc động, tự hào. Nhiều người khen ngợi đó là những giọng đọc "thấm đến từng giác quan", giúp tái hiện lại một thời oanh liệt của dân tộc.
Thiếu tá Kim Thu cho biết, khi đọc thuyết minh tại Lễ diễu binh, diễu hành sáng 7/5, nhiều lúc chị cùng đồng đội rưng rưng nước mắt vì xúc động.
"Sáng 7/5, trời bất ngờ đổ cơn mưa lớn, ngồi bên trên nhìn xuống dưới, thấy đồng đội của mình ướt đẫm, tôi nghĩ đến thế hệ cha ông, với 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", vất vả gian lao hơn rất nhiều. Tôi càng thêm xúc động, tự hào nên đọc thuyết minh giàu cảm xúc hơn", chị Kim Thu cho hay.
Cách đây 2 tháng, trải qua vòng sơ tuyển với sự tham gia của 30 người từ toàn quân trên cả nước, chị Thu cùng 5 thành viên trong tổ đã được lựa chọn để nhận nhiệm vụ đọc thuyết minh cho Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cả nhóm có khoảng một tháng tập luyện cùng nhau tại Hà Nội và lên Điện Biên từ ngày 24/4 để tham gia các chương trình tổng duyệt.
"Lời thuyết minh là hồn cốt của Lễ diễu binh, diễu hành. Nếu đọc không có cảm xúc hoặc sai, vấp một từ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người nghe, khiến người nghe không cảm nhận được không khí, tinh thần của buổi lễ. Chính vì vậy, chúng tôi đã tập luyện rất nhiều trước khi buổi lễ kỷ niệm chính thức diễn ra", Thiếu tá Kim Thu chia sẻ.
Thiếu tá Kim Thu cho biết, tổ đọc thuyết minh còn có Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà - Phó chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Trung tá Nguyễn Hữu Lập - Nghiên cứu sinh Triết học, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng; Thượng úy Lê Hảo - Ban Thanh niên Quân đội, Tổng cục Chính trị; Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng - Quân khu 1; Thượng úy Lê Thị Ngọc Hân - Bộ tư lệnh TPHCM.
Bí quyết chạm đến trái tim người nghe
Lễ diễu binh, diễu hành đã kết thúc nhưng Trung tá Nguyễn Hữu Lập vẫn còn nguyên cảm xúc tự hào, xúc động. Có mặt tại Điện Biên, nơi người bác của mình đã ngã xuống trong chiến dịch lịch sử, anh Lập càng thêm nghẹn ngào.
Anh chia sẻ, thành công của Lễ diễu binh, diễu hành là nỗ lực của rất nhiều cá nhân. Để có được giọng đọc trầm ấm, truyền cảm góp phần vào thành công của đại lễ, ngoài việc luyện tập chăm chỉ, cả nhóm đã được các cấp lãnh đạo chỉ huy tạo điều kiện đi tham quan các địa điểm là di tích lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xem các thước phim tư liệu về cuộc chiến, về sự hi sinh, vất vả của thế hệ cha anh 70 năm trước. Đó là động lực tạo nên cảm xúc để cả nhóm hoàn thiện kỹ năng thuyết minh.
Chia sẻ với phóng viên , Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà cho biết, đây là lần thứ ba chị tham gia thuyết minh diễu binh, lần đầu là Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014), lần thứ hai là Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (năm 2015).
"Mặc dù nhiều lần đọc thuyết minh tại các sự kiện lớn nhưng tôi vẫn thấy rất xúc động. Tôi cùng 5 đồng chí được phân công nhiệm vụ đọc thuyết minh, trong đó giọng miền Bắc có 2 nam, 1 nữ; giọng miền Nam có 1 nam và 2 nữ. Dù Lễ diễu hành đã kết thúc nhưng tôi rất hạnh phúc khi nhận được nhiều lời khen của khán giả cả nước", chị Hà nói.
Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà chia sẻ, đọc thuyết minh trong lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ khác rất nhiều khi làm MC ở các chương trình khác.
"Chúng tôi đọc thuyết minh nhưng như kể một câu chuyện, vừa phải thể hiện được bản chất câu chuyện đó, vừa có sự hào hùng trong giọng đọc. Giọng đọc có sự bi tráng nhưng cũng có động lực để động viên mọi người", Thượng tá Hoàng Hà cho biết.
Phó Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tâm sự, để đọc tốt, người MC phải có lực và kỹ thuật nền tảng hơi thở. Từ tháng 3/2024, chị đã nhận được công văn gửi về đơn vị để tham gia vòng tuyển chọn, chị cũng phải cố gắng thể hiện bản thân để nhận nhiệm vụ này.
Từ ngày 1/4, chị và cả nhóm bắt đầu tập luyện, mỗi ngày khoảng 2 buổi sáng, chiều, mỗi buổi 1 tiếng. Đến ngày 24/4, chị cùng 5 MC di chuyển từ Hà Nội lên Điện Biên. Mỗi ngày ngoài thời gian tổng duyệt, chị cùng các MC khác vẫn tập luyện hăng say tại nơi lưu trú.
Nữ Thượng tá nói: "Sáng 7/5, trời mưa rất to, chúng tôi đã rơi nước mắt nhưng đều cố gắng kìm nén để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi không thể để mình sai sót. Dù thương các lực lượng diễu binh dưới trời mưa nhưng cả đội vẫn phải tập trung cao độ".
Thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà nói, trong lễ diễu hành sáng 7/5, chị ấn tượng với hình ảnh bé gái người Thái xuất hiện trong đoàn diễu binh.
"Hình ảnh "em bé Điện Biên" ngồi trên vai 3 đồng chí bộ đội khiến tôi nhớ mãi. Màn biểu diễn này lấy cảm hứng từ tượng đài chiến thắng đặt trong cụm di tích đồi D ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Hình ảnh em bé cũng tượng trưng cho sự nối tiếp giữa các thế hệ nhằm góp phần xây dựng vùng đất Tây Bắc ngày càng phồn vinh và cũng góp phần vào bình đẳng giới", nữ Thượng tá bộc bạch.
Link nội dung: https://asean24h.net/tiet-lo-ve-cuoc-tuyen-chon-giong-doc-di-vao-long-nguoi-o-le-dieu-binh-69623.html