Mở phiên ngày 10/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 88,2-90,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1 triệu đồng mỗi chiều so với kết phiên hôm qua. So với giá mở phiên ngày 9/5, mỗi lượng vàng miếng tăng 2,5 triệu đồng ở cả chiều mua và bán.
Tuy nhiên, đến trưa, giá đã tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng, được niêm yết tại 89,7-92 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, so với giá ngày 9/5, mỗi lượng vàng đã tăng 4 triệu đồng. Các kỷ lục liên tục bị xô đổ.
Trước đó, kết phiên ngày 9/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 87,2-89,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,5 triệu đồng mỗi chiều so với lúc mở phiên. Chênh lệch giữa chiều mua và bán duy trì tại 2,3 triệu đồng.
Giá vàng có động thái tăng mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng, trong đó có 2 lần tổ chức thành công. Trước ngày đấu thầu đầu tiên (22/4), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại vùng 80,3-82,8 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Việc tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung, giúp kìm giá vàng, tuy nhiên, kết quả lại không đạt như kỳ vọng. Như vậy, sau 5 lần tổ chức đấu thầu mỗi lượng vàng miếng hiện tăng 6,7 triệu đồng ở chiều bán ra và tăng 6,9 triệu đồng ở chiều mua vào so với trước đó.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn giữ ổn định ở vùng giá 73,5-75,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng ở chiều bán ra so với lúc mở phiên.
Giá vàng quốc tế đang đạt 2.344 USD/ounce, tăng 25 USD so với giá mở phiên trước đó. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, mỗi lượng vàng miếng trong nước cao hơn 17,2 triệu đồng so với quốc tế còn vàng nhẫn cao hơn 3 triệu đồng, tùy thời điểm.
Trước đó, ngày 22/4 giá thế giới chỉ thấp hơn vàng miếng SJC trong nước hơn 10 triệu đồng/lượng.
Theo Kitco News, giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ có vẻ đang mất đà sau khi có nhiều công nhân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Số lượng đơn xin trợ cấp đã tăng lên mức cao nhất từ tháng 11.
Ông Jeff Clark, biên tập viên của TheGoldAdvisor.com, cho biết mặc dù việc mua vàng của các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ giá vàng, nhưng việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay có thể đẩy giá kim loại này lên cao hơn.
Vàng đã đạt nhiều mức cao chưa từng có nhờ vào việc các ngân hàng trung ương mạnh mẽ mua vào. Clark cho rằng việc mua vàng của các ngân hàng trung ương đã đạt đến "đỉnh cao" sau 15 năm tăng chi tiêu vào vàng.
Clark cho biết việc cắt giảm lãi suất bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là một động lực thực sự cho kim loại quý này. Mốc giá 2.500 USD/ounce là mốc mà giá dễ dàng có thể đạt được trong năm nay.
Giá USD tự do tiếp tục giảm
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 105,2 điểm, giảm 0,26% so với phiên trước đó, nhưng tăng 3,75% từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.271 đồng, tăng 6 đồng so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.057-25.484 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.154-25.484 đồng, tăng 6 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.215-25.484 đồng, cũng ở mức trần cho phép.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.650-25.730 đồng/USD (mua - bán), giảm 50 đồng mỗi chiều.
Link nội dung: https://asean24h.net/ky-luc-moi-cua-gia-vang-905-trieu-dongluong-69810.html