Sự cố giúp tìm ra điểm yếu chí mạng của Bitcoin

Tai nạn khai thác than đá xảy ra ở Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới cả thị trường Bitcoin và tiền mã hóa nói chung trong tuần qua.

Vài năm nay, Trung Quốc trở thành "công xưởng" đào tiền mã hóa của thế giới. Nhiều chủ trang trại đào coin tập trung tại những vùng vắng người và giá điện rẻ của nước này.

Sự quan trọng của những trang trại đào coin Trung Quốc được thể hiện rõ qua tai nạn diễn ra tại mỏ than ở Tân Cương. Sự cố này đã khiến gần 1/3 mạng lưới đào tiền mã hóa toàn thế giới bị gián đoạn cuối tuần qua. Giá Bitcoin cũng giảm mạnh từ ngày 18/4 và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Sự cố khiến năng lực đào Bitcoin sụt giảm

Theo Fortune, một mỏ than đá tại huyện Hô Đồ Bích, Tân Cương đã bị tràn nước, khiến 21 công nhân mắc kẹt bên trong vào ngày 11/4. Các công nhân sau đó đã được giải cứu. Một tuần sau, mỏ than này vẫn dừng hoạt động để kiểm tra an toàn lao động, do đó không thể cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy điện trong vùng.

anh huong cua bitcoin toi moi truong anh 1

Sự cố mỏ than tại Tân Cương khiến hơn 20 công nhân bị mắc kẹt. Ảnh: AP.

Điều này khiến cho các trang trại đào Bitcoin, vốn ngốn lượng điện rất lớn, phải ngừng hoạt động. Vào cuối tuần sau đó, tức là ngày 17-18/4, năng lực của mạng lưới Bitcoin toàn cầu đột ngột giảm mạnh.

Độ khó để “đào” Bitcoin, được tính bằng tổng năng lực giải thuật toán (còn gọi là hashrate) của các máy tính tham gia mạng lưới, đã giảm mạnh từ mức trên 160 EH/s xuống khoảng 130 EH/s. Tới sáng 23/4, con số này vẫn ở khoảng 133 EH/s.

Trước sự cố, các chuyên gia đều nhận định Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đào Bitcoin. Tuy nhiên, vụ lụt cho thấy gần như toàn bộ thợ đào ở vùng Tân Cương nằm ở huyện Hô Đồ Bích và các vùng lân cận, phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của cùng một mỏ than.

"Tai nạn này đã xác nhận những dự báo, thậm chí có thể khẳng định thủ phủ đào coin tại Tân Cương nhỏ hơn nhiều so với những suy đoán trước đây. Điều đó cho thấy sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đào Bitcoin, và lo ngại về vấn đề an ninh", Alex de Vries, nhà kinh tế chuyên theo dõi việc sử dụng năng lượng đào Bitcoin nhận định.

anh huong cua bitcoin toi moi truong anh 2

Vùng Nội Mông, Trung Quốc cấm đào Bitcoin từ tháng 5 để giảm thiểu tác động môi trường. Ảnh: Getty.

Sự cố cũng cho thấy nguồn năng lượng để đào Bitcoin vẫn chủ yếu đến từ than đá. Không chỉ ở Trung Quốc, tại nhiều vùng ở Mỹ như bang New York hay Kentucky, những chủ trang trại đào coin cũng tận dụng lại những nhà máy cũ để có nguồn điện giá rẻ. Đây chính là mối nguy hại của Bitcoin đối với môi trường.

Mặt xấu của Bitcoin

"Dấu chân carbon", thuật ngữ chỉ lượng khí CO2 được thải ra khi khai thác Bitcoin sắp vượt khí thải của cả đất nước Australia và lớn hơn những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google hay Microsoft cộng lại.

Tác động xấu đến môi trường chính là bộ mặt xấu xí của Bitcoin. Ngoài Tân Cương, Bitcoin cũng bị cấm khai thác tại Nội Mông, Trung Quốc từ tháng 5 tới đây vì ảnh hưởng tới môi trường. Đây cũng là khu vực đóng góp khoảng 4% năng lực khai thác Bitcoin cho toàn thế giới.

Tất nhiên, cũng có những trang trại Bitcoin sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này bị đánh giá là thiếu ổn định, khó đảm bảo chạy 24/7.

"Thợ đào thường không thích năng lượng tái tạo bởi chúng khó đảm bảo chạy 24 giờ mỗi ngày. Năng lượng xanh không phù hợp với Bitcoin", ông de Vries nhận định.

anh huong cua bitcoin toi moi truong anh 3

Phần lớn Bitcoin được đào tại những trang trại ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Trong cuộc chơi đào Bitcoin, những thợ đào cần phải tận dụng mọi lợi thế, bởi chỉ những người hoàn thành chuỗi tính toán đầu tiên mới được thưởng Bitcoin. Lượng máy đào gia nhập mạng lưới ngày càng nhiều, do đó phần thưởng Bitcoin nhận được cũng ngày càng ít đi. Thợ đào do vậy cần máy phải chạy liên tục.

Ông de Vries cho rằng khoảng 70% lượng Bitcoin được tạo ra sử dụng năng lượng hóa thạch, trong đó phần lớn là than đá. Việc Bitcoin tăng giá tới gần 6 lần trong 7 tháng qua khiến cho ngày càng nhiều thợ đào lao vào cuộc chơi.

Tổng lượng điện mà mạng lưới đào Bitcoin sử dụng bằng khoảng 2% so với nước Mỹ, và 10% lượng điện của Nga. Những con số đều chỉ ra tác động của Bitcoin đối với môi trường là rất lớn. Tuy nhiên, sự thật xấu xí này dường như được những người nổi tiếng như Elon Musk bỏ qua khi ca ngợi Bitcoin.

Link nội dung: https://asean24h.net/zing-newstri-thuc-truc-tuyen-7.html