Khi Mark Zuckerberg tuyên bố phát hành hệ thống trí tuệ nhân tạo vào năm ngoái, Jeffrey Emanuel tỏ ra khá nghi hoặc. Vị chuyên gia đam mê AI này lo ngại công nghệ trên của Meta sẽ chỉ giới hạn ở một nhóm nhỏ người dùng.
Tuy nhiên, sau khi Meta chính thức cung cấp phiên bản tiếp theo của Llama nguồn mở: LLaMA 2 - một mô hình mạnh hơn, Jeffrey Emanuel cho biết ông đánh giá rất cao bởi chúng hiệu quả và dễ sử dụng.
“Chúng tôi có nhà vô địch Zuckerberg”, ông Emanuel, 42 tuổi, nói. “Cảm ơn Chúa, chúng tôi có người bảo vệ nguồn mở khỏi những công ty lớn khác”.
Zuckerberg là một trong những CEO hỗ trợ và thúc đẩy mô hình nguồn mở cho AI, song điều này vô hình chung đẩy ông vào một cuộc tranh cãi gay gắt, rằng liệu công nghệ có tiềm năng thay đổi thế giới này có nguy hại hay không. Microsoft, OpenAI và Google được cho là đang triển khai các chiến lược AI khép kín hơn để bảo vệ công nghệ của mình.
“Công nghệ này rất quan trọng và có nhiều cơ hội nên chúng ta nên mở nguồn rộng rãi để mọi người được hưởng lợi”, Mark Zuckerberg nói.
Theo Meta, kể từ khi mô hình AI nguồn mở hoàn toàn LLaMA 2 được phát hành vào tháng 7, phần mềm này đã được tải xuống hơn 180 triệu lần và đứng đầu bảng xếp hạng download trên Hugging Face. Các nhà phát triển đã tạo ra hàng chục nghìn chương trình AI tùy chỉnh của riêng mình trên phần mềm AI của Meta với nhiều mục đích, từ giúp bác sĩ lâm sàng đọc kết quả quét X quang cho đến tạo ra nhiều trợ lý chatbot kỹ thuật số.
Patrick Collison, giám đốc điều hành của công ty thanh toán Stripe, người gần đây vừa gia nhập nhóm cố vấn chiếc lược Meta nói: “Tôi đã nói với Mark, tôi nghĩ rằng nguồn mở LLaMA là điều phổ biến nhất mà Facebook đã làm trong cộng đồng công nghệ từ trước đến nay”.
Zuckerberg từ lâu đã ủng hộ công nghệ nguồn mở. Năm 2011, Facebook bắt đầu Dự án Điện toán Mở, một tổ chức phi lợi nhuận tự do chia sẻ thiết kế máy chủ và thiết bị bên trong các trung tâm dữ liệu. Năm 2016, Facebook cũng phát triển Pytorch, một thư viện phần mềm nguồn mở có vai trò tạo ra các ứng dụng AI. Daniel Ek, giám đốc điều hành Spotify, người coi Zuckerberg là người bạn tâm giao, cho biết: “Sau quãng thời gian dài cống hiến trong ngành điện toán, Mark nhận thấy rằng luôn có những con đường đóng, mở khác nhau để đi. Anh ấy luôn mặc định là sẽ mở”.
Tại Meta, quyết định mở nguồn AI đã gây ra nhiều tranh cãi. Vào năm 2022 và 2023, nhóm chính sách và pháp lý đã ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc phát hành phần mềm, lo ngại rằng phản ứng dữ dội của các cơ quan quản lý Washington và Liên minh Châu Âu sẽ ảnh hưởng đến dự án. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ Meta như Yann LeCun và Joelle Pineau, những người dẫn đầu mảng nghiên cứu AI, vẫn thúc đẩy mô hình mở mà họ cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Zuckerberg cũng đồng ý rằng nếu mã được mở, mọi thứ sẽ được cải tiến và hoạt động mạnh mẽ hơn.
Hồi tháng 2, Google quyết định mở mã nguồn cho 2 mô hình AI là Gemma 2B và Gemma 7B. Điều này cho thấy tập đoàn khổng lồ có thể đã cảm nhận được sức nóng từ cách tiếp cận nguồn mở của Mark Zuckerberg. Các công ty khác, bao gồm Microsoft, Mistral, Snowflake và Databricks, cũng bắt đầu cung cấp các mô hình nguồn mở trong năm nay.
Matt Shumer, 24 tuổi, một nhà phát triển ở New York, cho biết anh vốn chỉ sử dụng các mô hình AI khép kín từ Mistral và OpenAI để hỗ trợ công ty khởi nghiệp HyperWrite của mình. Tuy nhiên, sau khi Meta phát hành mô hình AI nguồn mở cập nhật vào tháng trước, Shumer bắt đầu đổi kế hoạch. “Ngay bây giờ, những gì Mark Zuckerberg đang làm thực sự tốt cho cộng đồng nguồn mở”.
Mới đây nhất, Meta cho ra mắt phiên bản cập nhật của mô hình Llama AI miễn phí, Llama 3. Đây được coi là “bước nhảy vọt” về mô hình ngôn ngữ lớn bởi nó được tiết lộ có khả năng “giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ”, thu thập nhiều dữ liệu hơn và hiểu nhiều phương thức khác bên cạnh văn bản…
“Mục tiêu của chúng tôi trong tương lai gần là làm cho Llama 3 trở nên đa ngôn ngữ và đa phương thức,hiểu được ngữ cảnh dài hơn và tiếp tục cải thiện hiệu suất tổng thể trên các mô hình ngôn ngữ lớn cốt lõi”, Mark Zuckerberg nói.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng nguồn mở vẫn có nhiều mặt trái. Meta bị tố tiếp tay cho các nội dung nhạy cảm bởi loạt web ‘đen’ đều sử dụng mô hình AI của Mark Zuckerberg.
Chẳng hạn, trên Chub AI, một trang web nơi người dùng có thể trò chuyện với các chatbot, mọi tưởng tượng điên rồ nhất sẽ được thỏa mãn. Chỉ với 5 USD/tháng, người dùng có thể tương tác với một con mèo hình người hoặc “tán tỉnh” cô bạn gái làm việc tại quán cà phê ảo. Họ cũng có thể đến thăm “nhà thổ” với nhân viên là các cô gái dưới 15 tuổi.
Theo Fortune, Chub AI cung cấp hơn 500 kịch bản như vậy trong bối cảnh ngày càng nhiều các trang web AI cho phép nhập vai khiêu dâm trẻ em mọc lên. Chúng là một phần của nền kinh tế trí tuệ nhân tạo không bị kiểm duyệt, theo cuộc phỏng vấn của Fortune với 18 nhà phát triển và founder. Họ cho rằng làn sóng này một phần được thúc đẩy bởi OpenAI và Llama nguồn mở của Meta.
Các chuyên gia cảnh báo tất cả các hoạt động trên có thể gây nguy hiểm cho trẻ vị thành niên. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về ranh giới pháp lý cũng như trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc kiểm duyệt AI.
Theo: The New York Times, Fortune