Tồn kho giảm, xuất khẩu tôm khả quan trong quý II/2024

Các chuyên gia VASEP khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu tôm nên áp dụng khoa học công nghệ vào cả sản xuất và nuôi để nâng hiệu suất và giảm giá thành sản phẩm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, tính đến 15/5/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý II năm nay, xuất khẩu tôm có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi tồn kho giảm bớt, giá xuất khẩu khả quan hơn, nhu cầu tích cực hơn từ các thị trường chính.

Tính đến 15/5/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 134 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Mặc dù con số lũy kế từ đầu năm chỉ tăng nhẹ nhưng xuất khẩu tôm sang thị trường này đã có xu hướng tăng tốt trong các tháng gần đây. 

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 161 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản cũng có xu hướng tương tự thị trường EU. Giá trị xuất khẩu lũy kế từ đầu năm giảm nhẹ nhưng đã có dấu hiệu tăng từ tháng 4/2024.

Các đơn hàng từ EU và Nhật Bản dự kiến tăng trong quý II năm nay. Nhất là thị trường EU, có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tăng, nhất là với các sản phẩm tôm có chứng nhận. 

Tại Trung Quốc, tính đến 15/5/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 223 triệu USD, tăng 31%. Mặc dù con số lũy kế sang thị trường Trung Quốc tăng nhưng xuất khẩu sang thị trường này đã có dấu hiệu giảm trong những tháng gần đây. 

Theo các chuyên gia VASEP, dự kiến, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong quý II sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là do nhu cầu tôm đông lạnh của Trung Quốc chậm lại. Hầu hết các nhà máy chế biến lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã phải điều chỉnh giá nguyên liệu giảm 1-3%.

Tính tới tháng 4 năm nay, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm chân trắng khả quan của Việt Nam. Trong tháng 3/2024, Mỹ là thị trường duy nhất chứng kiến giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng đông lạnh tăng và vào tháng 4, giá lại tăng nhẹ 1% lên 9,80 USD/kg. Khối lượng nhập khẩu tôm chân trắng của Mỹ từ Việt Nam trong tháng 4 năm nay vẫn ổn định ở mức 4.168 tấn, mức cao hơn các thị trường khác.

Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu tôm sú của Mỹ từ Việt Nam giảm, đạt 178 tấn, nhưng giá vẫn giữ ổn định ở mức 18,80 USD/kg - mức cao nhất trong một năm.

Bên cạnh đó, VASEP nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như giá xuất khẩu giảm, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế thế giới. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã và đang nỗ lực vạch ra các chiến lược để phát triển như gia tăng chất lượng, tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình trên thị trường. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ vào cả khâu sản xuất và khâu nuôi để nâng hiệu suất và giảm giá thành sản phẩm.

Link nội dung: https://asean24h.net/ton-kho-giam-xuat-khau-tom-kha-quan-trong-quy-ii2024-73647.html