Hãng xe công nghệ hút người dùng bằng chiến lược giá hợp lý

Thị trường lớn nhưng đầy cạnh tranh nên nhiều hãng xe công nghệ tìm cách thu hút người dùng thông qua chính sách về giá.

Đặt xe công nghệ xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm và dần trở thành thói quen phổ biến trong nhịp sống thành thị. Từ chỗ chỉ có 1-2 hãng xe, thị trường sau 10 năm ngày càng rộng lớn với hàng chục đơn vị gia nhập và cả rút lui.

Báo cáo của Mordor Intelligence về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 2023 và dự báo giai đoạn 2024-2029 chỉ rõ sự tăng trưởng về quy mô toàn ngành những năm qua. Năm 2023, thị trường đặt xe công nghệ Việt Nam có quy mô hơn 723 triệu USD và dự báo sẽ đạt mốc 1,17 tỷ USD năm nay. Xa hơn, 5 năm sau, giá trị toàn ngành sẽ tăng lên con số 3,19 tỷ USD. Chỉ số CAGR giai đoạn 2024-2029 có thể đạt đến 22,1%.

Những con số từ Mordor Intelligence phần nào cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường đặt xe công nghệ. Sự tăng trưởng này đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, nổi bật là quá trình đô thị hóa, số người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam ngày càng tăng. Người dùng cũng ưa thích di chuyển tiện lợi thay vì phụ thuộc vào các điểm đón trả cố định của phương tiện công cộng.

Một nhóm bác tài Grab chờ đón khách lúc sáng sớm trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1.Ảnh: Thanh Tùng

Một nhóm bác tài Grab chờ đón khách lúc sáng sớm trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1.Ảnh: Thanh Tùng

Cũng vì "miếng bánh" thị trường lớn, hàng loạt đơn vị nhảy vào sân chơi, có cả khối ngoại và nội địa. Nhiều hãng xe đồng nghĩa việc người dùng được hưởng lợi, đa dạng lựa chọn. Đi kèm với điều này là tính cạnh tranh cao. Để tồn tại trên thị trường, doanh nghiệp đặt xe phải làm mọi cách giữ chân người dùng. Trong đó, người dùng hiện đại, nhất là giới trẻ thích những trải nghiệm đặt xe đơn giản, thời gian nhận chuyến nhanh. Đa số người dùng yêu cầu chi phí hợp lý. Để giải bài toán này, hãng xe cần đầu tư nhiều vào công nghệ để tối ưu trải nghiệm, phát triển mạng lưới tài xế phủ khắp, đồng thời đưa ra chính sách giá phù hợp.

Chiến lược giá hợp lý của Grab

Ngay cả khi đã xác lập chỗ đứng trên thị trường, có tệp người dùng đủ lớn, các doanh nghiệp đặt xe vẫn luôn phải tìm cách thu hút và giữ chân người dùng. Đơn cử như Grab, hãng đưa ra giải pháp giữ chân người dùng nhờ chiến lược giá hợp lý. Thay vì chỉ có một mức giá như trước kia, hiện Grab đưa ra nhiều lựa chọn dịch vụ với giá cả khác nhau, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dùng.

Theo báo cáo xu hướng tiêu dùng năm 2023 của PwC, 62% người trả lời khảo sát tại Việt Nam cho biết sẽ cắt giảm chi sinh hoạt. Con số này ở Đông Nam Á lên đến 73% và toàn cầu là 69%. Điều này phản ánh người dân ở Việt Nam và trên toàn cầu có xu hướng kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn và sẽ không rót tiền vào những dịch vụ, nhu cầu không cần thiết. Khảo sát hành vi tiêu dùng của nền tảng Cốc Cốc cuối năm 2023 cho thấy 44% người dùng chọn cắt giảm chi phí cho di chuyển trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Với nhu cầu di chuyển, trước đây, nhiều người dùng ngại đặt xe nhất là vào giờ cao điểm vì chi phí cao hơn. Khảo sát của VnExpress với hơn 1.500 độc giả cuối tháng 5 cho thấy hơn 60% người dùng quan tâm đến giá cả khi đặt xe di chuyển vào giờ cao điểm.

Để đáp ứng nhu cầu và xu hướng chung của người dùng, Grab lần đầu ra mắt dịch vụ GrabBike Tiết Kiệm và GrabCar Tiết Kiệm vào năm ngoái. Đến nay, hãng không ngừng cải tiến để mức giá của dịch vụ này tiết kiệm hơn đến 20% so với dịch vụ GrabBike, GrabCar thông thường. Chưa dừng lại ở đó, vào các khung giờ cao điểm 6h-9h và 17h-20h, ứng dụng cũng tự động áp thêm mã giảm giá để người dùng có thể tiết kiệm hơn. Mức giảm tùy khu vực, có thể lên đến 20%.

Dịch vụ mới không chỉ giúp Grab giải quyết khó khăn của người dùng trong việc chi tiêu, mà còn giúp hãng tiếp cận nhóm sinh viên, nhân viên văn phòng. Nhóm người dùng này thường xuyên phải di chuyển vào các khung giờ cao điểm.

Nữ nhân viên văn phòng đặt Grab di chuyển từ cơ quan trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Ảnh: Thanh Tùng

Nữ nhân viên văn phòng đặt Grab di chuyển từ cơ quan trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Ảnh: Thanh Tùng

Anh Hoàng Nam, quận Thủ Đức, hơn hai tuần qua đã trải nghiệm dịch vụ GrabBike Tiết Kiệm khi đi làm hàng ngày. Anh cho biết nhà cách cơ quan hơn 10 km nên việc tự lái xe giờ cao điểm rất mệt, căng thẳng. Trước đây, anh ít đặt xe do lo ngại chi phí cao. Hiện tại, với dịch vụ di chuyển tiết kiệm của hãng, nhân viên văn phòng này cởi mở hơn khi đặt xe công nghệ.

"Mức giá với tôi là phù hợp. Hơn nữa việc đặt giúp tôi đỡ lái xe, giúp tinh thần thoải mái hơn nhiều", người dùng này chia sẻ.

Grab kỳ vọng chính sách ưu đãi mới có thể giúp người dùng không phải lo ngại về mức giá. Ngoài ra, khi di chuyển bằng xe công nghệ vào giờ cao điểm, người dùng vẫn có thể đảm bảo được các yếu tố như di chuyển nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và không cần phải lo lắng, mất sức khi gồng mình giữa kẹt xe.

Đại diện Grab Việt Nam khẳng định giá hợp lý là yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế còn đối mặt với thách thức, người dùng có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn. "Với học sinh, sinh viên, từng nghìn đồng cũng đáng kể và được họ cân nhắc kỹ càng", ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam nhận định.

Hoài Phương

Giới văn phòng tiết kiệm tiền triệu hàng tháng nhờ xe công nghệ Lý do giới trẻ chọn xe công nghệ vào giờ cao điểm Người trẻ đặt xe công nghệ vì muốn 'tiện và rẻ'

Link nội dung: https://asean24h.net/hang-xe-cong-nghe-hut-nguoi-dung-bang-chien-luoc-gia-hop-ly-74400.html