Nhiệm vụ này được Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ) đặt ra khi phát biểu kết luận Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo, sáng 15/7.
Bên cạnh nhiều kết quả đạt được trong cải cách hành chính, Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế và lưu ý những bài học kinh nghiệm quan trọng.
Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tinh thần "5 đẩy mạnh".
Cụ thể Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa dữ liệu, hồ sơ; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, tất cả các giao dịch.
Về nhiệm vụ chung, Thủ tướng lưu ý ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong nhân dân.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, cần có phương án xử lý đối với các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng cũng chỉ đạo nhiệm vụ tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025.
Đi kèm với đó, ông nhấn mạnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, UBND TP Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh, sẽ tổ chức triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm từ tháng 9 đến cuối năm 2025.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tháng 9.
Bộ này cũng được giao triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Bộ Tư pháp được giao hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8.
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết khó khăn trong triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu quả tài chính công, tài sản công; đẩy mạnh số hóa quản lý thu, sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tổ chức thực hiện tốt việc chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu triển khai mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID để phục vụ công dân khi giải quyết công việc.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai hiệu quả việc kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử phục vụ dịch vụ công trực tuyến, nghiệp vụ tín dụng và phòng, chống hoạt động bất hợp pháp, lừa đảo, rửa tiền.
Link nội dung: https://asean24h.net/thu-tuong-yeu-cau-hoan-thanh-sap-nhap-huyen-xa-trong-thang-9-77779.html