Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

Thông qua nghi lễ cúng no đủ, người Ê Đê không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, mùa màng bội thu, mà còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Khám phá nghi lễ độc đáo

Xã Cư Suê (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) là một vùng đất đầy vẻ đẹp hoang dã và hùng vĩ, nổi bật với rừng cây Kơ nia bạt ngàn. 

Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn bởi sự đa dạng văn hóa của 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 4 buôn đồng bào dân tộc Ê Đê.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 1.

Người dân xã Cư Suê rộn ràng đến dự nghi lễ cúng no đủ.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Cư Suê vẫn lưu giữ nhiều phong tục tập quán và lễ hội đa sắc màu. Những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống ở đây rất độc đáo, thường ca ngợi tình yêu đôi lứa và giáo dục những giá trị về cuộc sống gia đình, xã hội. 

Sự giao thoa văn hóa và kiến trúc giữa các dân tộc đã tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú, độc đáo tại vùng đất Cư Suê.

Một trong những nghi lễ độc đáo của người Ê Đê trên địa bàn xã Cư Suê phải kể đến là nghi lễ cúng no đủ (tiếng Ê Đê là Kăm Hmah Kăm Hwa). 

Theo truyền thống của người Ê Đê, nghi lễ này thường được tổ chức tại một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong. 

Với kinh nghiệm làm nương rẫy và chọn đất, đồng bào cho đây là nơi đất lành và được lựa chọn làm địa điểm tổ chức lễ cúng no đủ.

Ông Y Nghi Êban (SN 1968), già làng buôn Sút M’drang (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cho biết, lễ cúng no đủ là một nghi lễ rất quan trọng đối với người Ê Đê. Nghi lễ này thể hiện mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt và mùa màng bội thu.

Sự no đủ của cộng đồng là điều mà mọi người đều khao khát. Chính vì vậy, trước đây, cứ vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 hàng năm, người Ê Đê trong các buôn làng lại rộn ràng chuẩn bị các lễ vật để tổ chức nghi lễ cúng no đủ.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 2.

Nhiều đại biểu tham dự khai mạc nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê.

Thế nhưng, theo già làng buôn Sút M’drang, do mải chạy theo cuộc sống thị trường để kiếm sống hàng ngày và ảnh hưởng của các luồng văn hóa đã khiến cho nét văn hóa độc đáo nói trên dần mai một.

Ông Y Nghi khẳng định, kể từ sau năm 1980 đến nay, người Ê Đê trong các buôn trên địa bàn không còn tổ chức nghi lễ cúng no đủ nữa. Chính vì thế, nhiều năm nay, thế hệ trẻ trong các buôn không hình dung được nghi lễ cúng no đủ là gì và có ý nghĩa như thế nào.

Trước tình hình đó, vào ngày 22/7, UBND huyện Cư Mgar đã ban hành Kế hoạch số 575/KH-UBND về việc phối hợp tổ chức phục dựng nghi lễ cúng no đủ của dân tộc Ê Đê tại buôn Sút M’drang (xã Cư Suê).

Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Cư Mgar, sáng 28/8, chính quyền địa phương xã Cư Suê và người đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn xã Cư Suê đã tất bật chuẩn bị nhiều lễ vật gồm: 2 con heo trong đó 1 heo trắng khỏe mạnh, không được mắc các loại bệnh tật. 

Người dân mong muốn, lễ vật này sẽ mang lại một ý nghĩa vô cùng tốt lành và đem lại may mắn, ấm no cho cộng đồng.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 3.

Khu vực diễn ra lễ cúng.

Bên cạnh đó, lễ vật của nghi lễ cúng no đủ còn có 5 con gà trống, 3 ché rượu cần, 20 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng, 1 cây chuối tươi, 1 cột lễ, 2 tượng biểu trưng cho thần thiện và thần ác, tượng heo rừng, sóc, chuột, mõ đuổi chim...

Trong đó, các ché rượu cần để phục vụ lễ cúng tuyệt đối không được mua bên ngoài mà phải do chính người dân trong buôn dùng gạo và men ủ và nấu rượu. 

Trong lễ cúng, ngoài kho lúa, người Ê Đê còn làm kho đựng các vật dụng sản xuất, săn bắn và các động vật rừng săn bắn đã được phơi khô.

Ngoài ra, xung quanh khu vực tổ chức lễ cúng no đủ còn được treo 10 cái chuông gió để báo hiệu cho người dân trong buôn về dự lễ, đồng thời xua đuổi những điều không may mắn. Bên cạnh đó, còn có những chiếc khiên, dao để xua đuổi tà ma.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 4.

Ông Y Nghi Êban, già làng buôn Sút M’drang nói về ý nghĩa của nghi lễ cúng no đủ.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 5.

Nhiều lễ vật được chuẩn bị để phục vụ lễ cúng no đủ.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 6.

Những chiếc gùi đặt dưới chân ngôi nhà sàn.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 7.

Ngôi nhà sàn của người Ê Đê được người dân dựng tượng trưng tại khu vực lễ cúng no đủ.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 8.

Hình ảnh tượng trưng cho chiếc kho của người Ê Đê.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 9.

Lễ vật của buổi lễ không thể thiếu 3 ché rượu cần.

Điều cấm kỵ trong nghi lễ cúng no đủ

Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, mọi người cùng nhau di chuyển về bến nước buôn Sút M’drang để thực hiện nghi thức phục dựng lễ cúng no đủ. 

Nghi thức cúng no đủ bắt đầu với bài hòa tấu chiêng "Pah kngan Drông yang" (tức là đổ nước vào ché mời khách). Đây là những bài chiêng báo cho các vị thần và linh hồn ông bà - những người đã khuất về chứng giám và chung vui buổi lễ.

Khi hồi chiêng vừa kết thúc, thầy cúng cầm con gà đưa vào sát miệng ché thứ nhất để thực hiện nghi thức cúng "Bhat Tao" (cúng tổ tiên ông bà đã mất). 

Tiếp đó, thầy cúng di chuyển đến ché rượu cần thứ 2 để cúng Mpǔ lăn (cúng thần đất, thần nước phù hộ cho dân làng). Cuối cùng là nghi lễ cúng Kăm Mah (no đủ).

Thầy cúng thay mặt người dân trong các buôn làng khấn cầu Yàng (có nghĩa là thần) trời, Yàng đất, thần mưa đổ nước xuống để người dân có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ, người dân luôn được khỏe mạnh, không bị ốm đau bệnh tật…

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 10.

Tiếng chiêng ngân vang báo hiệu buổi lễ cúng no đủ đã bắt đầu.

Nói về điều cấm kỵ trong nghi lễ cúng no đủ, già làng Y Nghi cho hay, trong lúc diễn ra lễ cúng, mọi người không được ra vào khu vực cúng ngoại trừ già làng và thầy cúng. Qua đó, để giữ gìn sự trang nghiêm của lễ cúng.

Còn theo ông Y Đức Êban (SN 1951, trú tại buôn Sút Mgrư, xã Cư Suê), trước đây, trong lúc diễn ra nghi lễ cúng no đủ thì mọi người dân trong buôn phải buộc chỉ tay vào nhau và tuyệt đối không được rời buôn. 

Đồng thời, người dân ở buôn khác cũng không được phép vào trong. Nếu chẳng may, có người lỡ đi vào buôn trong lúc đang tổ chức nghi lễ cúng no đủ thì sẽ bị giữ lại cho đến khi lễ cúng kết thúc.

"Sở dĩ có điều cấm kỵ này bởi người Ê Đê lo sợ những điều xui xẻo xảy ra với buôn làng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại nên hiện nay, nhiều thủ tục đã được giảm bớt", già làng Y Đức cho hay.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 11.

Thầy cúng thay mặt người dân trong buôn làng thực hiện các nghi thức cúng.

Khi được hỏi về ý nghĩa của nghi lễ cúng no đủ, già làng Y Đức nhấn mạnh, ngoài việc cầu cho người dân trong buôn luôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào thì lễ cúng no đủ cũng thể hiện cho sự đoàn kết, gắn bó của người dân Ê Đê trong các buôn làng. Đây cũng là dịp để dạy cho các thế hệ trẻ nêu cao ý thức bảo vệ giá trị truyền thống của dân tộc.

"Nghi thức phục dựng lễ cúng no đủ hôm nay dù chưa đầy đủ nhưng đã góp phần khơi gợi niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ trong các buôn làng. Để từ đó, các thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn của dân tộc mình và cùng nhau gìn giữ những báu vật vô giá ấy. Bởi với người Ê Đê, văn hóa truyền thống luôn là hơi thở của cuộc sống, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương", ông Y Đức nói.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 12.

Nhiều người dân được mời uống rượu cần.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 13.

Nghi lễ cúng Kăm Mah (no đủ).

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 14.

Người dân bỏ lúa vào ống tre để chuẩn bị trồng tỉa.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 15.

Người Ê Đê tỉa lúa.

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê- Ảnh 16.

Những người phụ nữ Ê Đê tự tay tỉa những hạt lúa trên nương.

Độc đáo chợ phiên biên giới Na Mèo ở xứ ThanhĐộc đáo chợ phiên biên giới Na Mèo ở xứ ThanhĐỌC NGAY

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê khẳng định, lễ cúng no đủ là một nghi lễ cúng rất đặc trưng của người Ê Đê cần được bảo tồn và duy trì. 

Do đó, việc phục dựng nghi lễ cúng no đủ là một hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc về xây dựng một cộng đồng đoàn kết và gắn bó.

Qua đó, thể hiện tình yêu thương và sự kính trọng, biết ơn, hướng về cội nguồn và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của người Ê Đê.

Việc phục dựng nghi lễ cúng no đủ cũng nhằm từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng của dân tộc Ê Đê tại các buôn làng gắn với phát triển du lịch. 

Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều đặc biệt trong lễ cúng no đủ, là không thể thiếu ngôi nhà sàn và những chiếc kho đựng lúa. Lý giải về điều này, già làng Y Nghi cho hay, trong cuộc sống của người Ê Đê, kho đựng lúa có vai trò rất quan trọng, không chỉ gìn giữ tài sản của gia đình mà còn tượng trưng cho sự no đủ. Chính vì thế, quá trình làm kho lúa, người dân làm rất tỉ mỉ.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://asean24h.net/doc-dao-nghi-le-cung-no-du-cua-nguoi-e-de-83704.html