Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ thảo luận về một thỏa thuận kinh tế và quốc phòng mang tính bước ngoặt với các nhà lãnh đạo Đức, mở đường cho quá trình xích lại gần hơn với Đức và các thành viên EU. Khi bắt đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Đức và Pháp, Thủ tướng Starmer tuyên bố ông muốn nước Anh vượt qua mối quan hệ bất ổn từ thời chính phủ Bảo thủ trước đây với các đồng minh châu Âu và coi việc cải thiện mối quan hệ với EU là trọng tâm trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh.
Tân Thủ tướng Anh hy vọng cuộc hội đàm hôm nay với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về một hiệp ước song phương mới sẽ mang lại mức độ hợp tác quân sự song phương chưa từng có cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và năng lượng:
"Chúng ta phải thay đổi và sửa chữa những mối quan hệ đổ vỡ do chính phủ trước để lại. Chúng ta đứng trước cơ hội ngàn năm có một để thiết lập lại mối quan hệ với châu Âu và phấn đấu vì những quan hệ đối tác chân thành, đầy tham vọng, mang lại lợi ích cho người dân Anh. Việc tăng cường mối quan hệ của Anh với các quốc gia này là rất quan trọng, không chỉ trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu về di cư bất hợp pháp mà còn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên khắp lục địa và quan trọng là ở Vương quốc Anh, một trong những nhiệm vụ chính của chính phủ do tôi dẫn dắt”.
Anh và Đức (đều là đồng minh NATO và là những nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất Tây Âu) đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng trước khả năng Mỹ sẽ cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm sau.
Theo các quan chức, quan hệ đối tác quốc phòng Anh - Đức có thể giống với Hiệp ước Lancaster House giữa Anh và Pháp được nhất trí vào năm 2010, với cam kết thành lập lực lượng chung và chia sẻ thiết bị và các trung tâm nghiên cứu tên lửa hạt nhân. Văn phòng Thủ tướng Starmer kỳ vọng, chính phủ Anh và Đức sẽ tiếp tục đàm phán trong 6 tháng tới với mục tiêu hoàn tất thỏa thuận vào đầu năm 2025. Thỏa thuận nhằm mục đích "thúc đẩy kinh doanh và thương mại, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, và tăng cường hành động chung về vấn đề di cư bất hợp pháp".
Các lĩnh vực cụ thể dự kiến sẽ được giải quyết trong hiệp ước mới với Đức bao gồm tiếp cận thị trường giữa các quốc gia, hợp tác khoa học và công nghệ, năng lượng sạch và an ninh năng lượng, thương mại trên Biển Bắc và "khả năng phục hồi" của chuỗi cung ứng. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận thêm về việc chia sẻ thông tin tình báo trong nỗ lực trấn áp các băng nhóm buôn người tiếp tay cho tình trạng di cư bất hợp pháp ở châu Âu.
Thủ tướng Anh cam kết sẽ xây dựng lại lòng tin với các đồng minh châu Âu vốn đã bị tổn hại do Brexit. Ông đã loại trừ khả năng tái gia nhập thị trường chung châu Âu, liên minh thuế quan hoặc quyền tự do đi lại, để tránh mở lại vấn đề vẫn còn gây nhức nhối giữa các chính trị gia Anh và công chúng. Nhưng ông muốn đàm phán một hiệp ước an ninh mới với khối này và một thỏa thuận thú y để nới lỏng kiểm tra biên giới đối với thực phẩm nông nghiệp, cũng như một thỏa thuận thương mại được cải thiện.
Đây là bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hoá chủ trương xích lại gần hơn với châu Âu, nhất là với các đồng minh chủ chốt như Đức của tân chính phủ Anh và Công đảng. Trước đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã từng tiết lộ chính quyền mới sẽ thực hiện 3 ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đó là: thúc đẩy hợp tác với châu Âu, thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và mở rộng ảnh hưởng ở Nam bán cầu.