Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp từ ngày 30/9 đến ngày 7/10.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973. Gần đây, hai nước có nhiều cuộc điện đàm cấp cao.
Hai nước có nhiều cơ chế hợp tác, đáng lưu ý có đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa 2 Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì; đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế; Đối thoại chiến lược quốc phòng giữa hai Bộ Quốc phòng ở cấp Thứ trưởng.
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italia). Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 10% so với 4,8 tỷ USD năm 2021.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,69 tỷ USD (chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm - sứ - mây - tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử) và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD (chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm).
Việt Nam - Mông Cổ là quan hệ hữu nghị truyền thống. Hai bên duy trì phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, UNESCO, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn khu vực ARF, ASEM...
Mông Cổ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ủng hộ ta trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khóa 2008-2009, ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO khóa 2010-2013. Phía Việt Nam ủng hộ Mông Cổ tham gia BCH ECOSOC nhiệm kỳ 2010-2013, sẵn sàng hỗ trợ Mông Cổ mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và gia nhập APEC khi tổ chức này kết nạp thành viên mới.
Về Biển Đông, Mông Cổ duy trì lập trường trung lập, ủng hộ giải quyết các bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại và luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Với Ireland, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/4/1996. Hai nước duy trì tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương.
Tháng 11/2017, Ireland công bố Chiến lược hợp tác Việt Nam và ba nước khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Lào và Myanmar) giai đoạn 2017-2020, khẳng định coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, hợp tác phát triển, thương mại - đầu tư (nhất là về nông nghiệp, hàng không, năng lượng sạch, công nghệ thông tin - truyền thông và thiết bị y tế…), giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ireland tăng trưởng tích cực. Việt Nam là một trong số 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ireland.
Từ năm 2007-2020, Ireland đã hỗ trợ cho Việt Nam tổng ngân sách khoảng 180 triệu Euro thông qua các Chiến lược quốc gia Ireland - Việt Nam (CSP) giai đoạn 2007-2010 trị giá 85,5 triệu Euro; giai đoạn 2011-2015, trị giá 55 triệu Euro và giai đoạn 2017-2020 trị giá 40 triệu Euro với mục tiêu hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho các xã nghèo ở Việt Nam.
Link nội dung: https://asean24h.net/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-va-phu-nhan-se-tham-phap-mong-co-ireland-87985.html