Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên đất liền hứng chịu sức gió giật cấp 17 của Yagi - cơn bão mạnh nhất 30 năm qua. Tại thủ phủ mỏ than, nhiều doanh nghiệp khai khoáng chịu thiệt hại lớn sau thiên tai.
Than Cao Sơn (CST) và Than Vàng Danh (TVD) là hai doanh nghiệp lâu năm có tiếng trong ngành. Trước đây, họ thường lãi hàng chục đến hơn trăm tỷ đồng mỗi quý. Tuy nhiên trong quý III, CST lỗ gần 43 tỷ đồng, còn TVD thâm hụt hơn 57 tỷ lãi sau thuế. Đây đều là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của cả hai.
Than Cao Sơn cho biết công ty bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi. Việc khắc phục xử lý sự cố, hậu quả đã làm tăng chi phí. Quý III, họ phát sinh khoản giá vốn hàng bán do mưa bão gần 23 tỷ đồng.
Còn với Than Vàng Danh, mưa lớn theo bão gây ảnh hưởng nặng nề tới khu vực sản xuất của công ty, như làm mất điện lưới, ngập các đường vào lò khiến các diện tích sản xuất bị ảnh hưởng, không thể hoạt động. Họ phải dừng sản xuất để khắc phục sự cố, do đó phát sinh chi phí ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Tương tự, các doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh tiêu cực. Than Hà Tu (THT) gần như mất sạch lãi khi chỉ còn gần 280 triệu đồng, mức thấp nhất 8 năm. Tương tự, Than Hà Lầm (HLC) cũng sụt phân nửa lợi nhuận về quanh 11 tỷ đồng, thấp nhất gần 2 năm qua. Trong khi Than Núi Béo - Vinacomin (TNB) lỗ hơn 104 tỷ, đậm nhất trong 4 năm.
Không chỉ ngành khai khoáng, các doanh nghiệp khác cũng chịu thiệt hại lớn từ cơn bão này. Theo báo cáo tài chính quý III, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội (HRT) có doanh thu tăng 23% lên hơn 782 tỷ đồng. Nhưng chi phí đội lên đến 28% khiến công ty giảm 35% lãi sau thuế, còn hơn 35 tỷ đồng. Ngoài các chi phí do sửa chữa, nâng cấp toa xe hay chi phí nhân viên, doanh nghiệp này còn tốn hơn 2,5 tỷ đồng cho sửa chữa, khắc phục các công trình bị thiệt hại sau bão.
Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) cũng lỗ gần 3,9 tỷ đồng sau thuế quý III, trong khi cùng kỳ lãi 2,7 tỷ. Đây là mức lỗ nặng nhất từ năm 2020 đến nay. Ngoài biến động thị trường, Vinaship cho biết hoạt động khai thác tàu còn chịu ảnh hưởng bởi thiết tiết xấu, bão Yagi làm tê liệt nhiều hoạt động của cảng và chuỗi logistic hàng hóa. Việc này khiến các tàu xếp hàng xi măng của công ty trong tháng 9 bị thiệt hại hàng chục ngày, do không điều động được hàng từ nhà máy ra cảng xếp dỡ.
Sau bão, nhóm chịu ảnh hưởng nặng còn có các công ty bảo hiểm. PVI quý này lãi 198 tỷ, giảm tới 44%. Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng sụt 42% lợi nhuận, về 31 tỷ đồng. Còn Bảo hiểm Bảo Long (BLI) chuyển từ lãi sang lỗ 12 tỷ đồng. Bảo hiểm Agribank (ABI) cũng lỗ hơn 16 tỷ đồng - mức nặng nề nhất gần 7 năm qua.
BLI cho biết chi phí hoạt động tăng 21% lên gần 280 tỷ đồng, chủ yếu là hậu quả từ bão lũ. Còn Bảo hiểm Agribank ghi nhận chi phí bồi thường tăng 93%, lên gần 294 tỷ, đẩy tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm lên 466 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại tăng hơn 141 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành cũng công bố số tiền bồi thường thiệt hại sau bão lên đến hàng trăm tỷ đồng ở mỗi hãng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Yagi và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa, chiếm trên 41% GDP cả nước. Dự báo, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc sẽ chậm lại.
Còn theo số liệu từ FiinGroup, các địa phương bị ảnh hưởng có khoảng 111 khu công nghiệp, cùng 4.760 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ thông tin, sản xuất, xây dựng và du lịch.
Tuy nhiên, trên bình diện vĩ mô, GDP quý III vẫn tăng 7,4%, cao thứ hai trong 5 năm qua. Tính chung 9 tháng, nền kinh tế tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của 2020- 2021, thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và năm 2023. VinaCapital từng đánh giá sơ lược rằng mức độ ảnh hưởng của bão Yagi tới các địa phương có thể phải chờ tới quý cuối năm mới phản ánh hết vào chỉ số tăng trưởng. Dẫu thế, họ vẫn dự đoán GDP tăng 6,5% năm nay, nhờ động lực chính từ phục hồi sản xuất. Năm sau, tốc độ trên giữ nguyên với trợ lực từ đầu tư công.
Để vực dậy sau bão, rộng hơn là giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% cả năm, Chính phủ đang đẩy nhanh việc ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sắp ban hành thông tư cho phép cơ cấu nợ với doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng do bão. Kết hợp với tình hình tỷ giá ổn định hơn, các chuyên gia cho rằng các nhà băng vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất, phần nào tiếp sức cho nền kinh tế.
Tất Đạt