Ca sĩ Taylor Swift khiến Ngân hàng trung ương Anh có thể hoãn hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm: Sức mạnh 1,27 tỷ USD của ‘Swiftflation’

16/06/2024 22:32

Hàng trăm nghìn người hâm mộ từ các nơi trên thế giới đổ về Anh xem Taylor Swift đang khiến nước này có thể tạm hoãn hạ lãi suất vì nền kinh tế được hưởng lợi.

Hãng tin CNBC cho hay chuyến lưu diễn Eras Tour hiện nay của ca sĩ Taylor Swift có khả năng khiến Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hoãn giảm lãi suất vì nền kinh tế sẽ được hưởng lợi thêm 1,27 tỷ USD.

Cụ thể, chuyến lưu diễn trên của Taylor sẽ diễn ra vào tháng 8/2024 tại London, qua đó thu hút hàng trăm nghìn người hâm mộ đổ về đây tham sự và kích thích tiêu dùng.

Điều này có thể thúc đẩy kinh tế, kìm hãm đà tăng lạm phát và khiến BoE tạm hoãn giảm lãi suất như dự đoán sang tháng 9/2024.

"Chúng tôi vẫn dự đoán khả năng BoE hạ lãi suất trong tháng 8/2024 nhưng sự biến động của tỷ lệ lạm phát có thể khiến chính phủ Anh tạm hoãn sang tháng 9/2024", báo cáo của TD Securities nêu rõ.

Ca sĩ Taylor Swift khiến Ngân hàng trung ương Anh có thể hoãn hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm: Sức mạnh 1,27 tỷ USD của ‘Swiftflation’- Ảnh 1.

Khảo sát 65 chuyên gia kinh tế của hãng tin Reuters trước đó cho thấy nhiều khả năng BoE sẽ cắt giảm lãi suất hiện đang ở mức cao nhất 16 năm là 5,25% vào tháng 8 tới đây để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên sau thông tin Taylor Swift sắp biểu diễn ở London vào tháng 8 thì nhiều báo cáo phân tích lại dự đoán về khả năng lùi thời hạn hạ lãi suất của BoE. Sự nổi tiếng của ca sĩ này cùng khả năng tác động đến chỉ số lạm phát trong tháng 8 có thể khiến chính phủ Anh phải xem xét lại kế hoạch.

"Đà tăng giá khách sạn và những sản phẩm, dịch vụ liên quan đến ngành du lịch trong thời gian diễn ra sự kiện có thể khiến lạm phát dịch vụ tăng 30 điểm phần trăm và thúc đẩy kinh tế", báo cáo của TD Securities cho thấy.

Sức mạnh Swiftflation

Trên thực tế, sức mạnh kích thích tiêu dùng từ những tour diễn của Taylor Swift đã từng có tiền lệ, đến mức thuật ngữ "Swiftflation" (Taylor Swift và Inflation-lạm phát) hay "Swiftonomics" (Taylor Swift và Economics) ra đời.

Những chuyến lưu diễn này thường kích thích tiêu dùng, gia tăng du khách đặt phòng khách sạn, chuyến bay, nhà hàng cùng vô số công việc kinh doanh tại địa phương.

Tại Edinburgh-Anh, nơi Taylor Swift bắt đầu chuyến lưu diễn ở quốc gia này từ đầu tháng 6/2024, nền kinh tế đã thu được 77 triệu Bảng, tương đương 98 triệu USD từ sự kiện trên.

Ca sĩ Taylor Swift khiến Ngân hàng trung ương Anh có thể hoãn hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm: Sức mạnh 1,27 tỷ USD của ‘Swiftflation’- Ảnh 2.

Thậm chí báo cáo của Barclays ước tính toàn nền kinh tế Anh có thể nhận thêm 1 tỷ Bảng, tương đương 1,27 tỷ USD nhờ chuyến lưu diễn của Taylor Swift.

Theo hãng tin Reuters, lạm phát tăng cao đã khiến sức mua ở nhiều mảng sản phẩm, dịch vụ chịu ảnh hưởng nhưng có lẽ điều này chẳng đúng với những người hâm mộ.

Giá vé của các buổi hòa nhạc (Concert) vẫn tăng lên mức mà ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng phải ngạc nhiên trước độ "điên cuồng" của người hâm mộ với thần tượng.

Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, người hâm mộ khắp nơi trên thế giới vẫn làm đủ mọi cách để mua vé concert các thần tượng của họ.

Những cái tên như Taylor Swift, Beyonce và BlackPink đã làm điên đảo mạng xã hội với vô số những dự đoán chi phí trên trời cho các buổi concert của họ. Từ chi phí đi lại, ăn ở, vật dụng cổ vũ, thời trang cho đến những khoản tiền khác nhằm ủng hộ thần tượng của mình và ăn chơi trong những ngày diễn ra sự kiện.

"Mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền cho thần tượng của mình bởi họ biết bản thân sẽ được thỏa mãn với các chương trình concert này, hơn nữa chẳng ai biết liệu thần tượng có quay lại làm sự kiện tương tự trong tương lai nữa hay không", chị Mario Ihieme, một người hâm mộ của Beyonce tại London-Anh cuồng nhiệt nói.

Ca sĩ Taylor Swift khiến Ngân hàng trung ương Anh có thể hoãn hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm: Sức mạnh 1,27 tỷ USD của ‘Swiftflation’- Ảnh 3.

Thần tượng cứu kinh tế

Hãng tin Reuters ví von những sự kiện concert của Beyonce hay Taylor Swift là Beyflation hay Swiftflation để ám chỉ tác động của các chương trình này đến nền kinh tế.

Không riêng gì BlackPink, hàng loạt những tên tuổi như Bruno Mars, Coldplay hay Backstreet Boys cũng đang tổ chức các chương trình âm nhạc của mình, thu hút người hâm mộ rút ví.

"Nếu đó không phải là các concert thì tôi đã không đi du lịch năm nay rồi", anh Fairuz Zahari đến từ Malaysia cho biết khi đi nhiều nước để theo dõi các chương trình âm nhạc, mới đây nhất là của Ed Sheeran tại Australia.

Tương tự tại Ấn Độ, giám đốc Owen Roncon của Live Entertainment cho biết người hâm mộ cực kỳ hạnh phúc dù vẫn phải trả khoản tiền lớn cho các sự kiện concert chất lượng.

"Mức giá bình quân cho buổi hòa nhạc ‘Backstreet Boys DNA World Tour’ tại Ấn Độ đã bị đẩy lên đến 8.000 Rupee (98 USD), cao hơn khá nhiều so với giá gốc", ông Owen cười nói.

Một cuộc khảo sát của Evenbrite tại Mỹ cho thấy 80% người tiêu dùng trong năm nay muốn được đi chơi nhiều hơn bất chấp người hâm mộ sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho các concert.

Thậm chí CEO Michael Rapino của Live Nation Entertainment còn cho biết doanh số bán vé concert đã tăng 41% trong quý I/2023, còn giá vé thì tăng với tỷ lệ 2 chữ số.

Tại Anh, khoảng 150.000 người hâm mộ đã trả 340 Bảng, tương đương 431 USD/vé để tham dự concert tháng 6 tại Glastonbury có sự góp mặt của Elton John cùng nhiều nghệ sĩ khác.

Ca sĩ Taylor Swift khiến Ngân hàng trung ương Anh có thể hoãn hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm: Sức mạnh 1,27 tỷ USD của ‘Swiftflation’- Ảnh 4.

Giám đốc Beth Cook của một hãng truyền thông đến từ Leeds-Anh cho biết cô dự định sẽ chi 100 Bảng mỗi ngày trong 5 ngày tham gia concert này và chi phí đó hoàn toàn xứng đáng.

"Khi đại dịch diễn ra, tôi nghĩ mọi người đều xuống tinh thần và chúng tôi rất nhớ những sự kiện như thế này, khi mọi người vui vẻ tụ tập cùng nhau. Giờ đây mọi thứ đã tốt lên, những người có tiền tiết kiệm sẽ đến những sự kiện như thế này vì chúng thật tuyệt", cô Cook thừa nhận.

Lo lắng lạm phát

Tuy nhiên điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng lại liên quan đến chi phí ăn ở, đi lại cùng các khoản chi tiêu khác của người hâm mộ cho thần tượng của mình, hoặc cho chuyến vui chơi ngắn ngày này, sẽ tác động đến lạm phát đang khá cao hiện nay.

Ở phía ngược lại, một số chuyên gia khác lại cho rằng các sự kiện trên kích thích nhu cầu tiêu dùng và kinh tế, đồng thời không ảnh hưởng quá mức đến tình hình lạm phát chung.

Tại Anh, mức giá cho hoạt động giải trí-văn hóa đã tăng 6,8% từ đầu năm cho đến tháng 5/2023, mức cao nhất 30 năm qua. Nguyên nhân chính được đưa ra là sự bùng nổ của các sự kiện văn hóa, âm nhạc thúc đẩy chi phí, giá vé trên thị trường.

Ca sĩ Taylor Swift khiến Ngân hàng trung ương Anh có thể hoãn hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm: Sức mạnh 1,27 tỷ USD của ‘Swiftflation’- Ảnh 5.

Mặc dù vậy, người phát ngôn của Tổng cục thống kê Anh (ONS) cho hay do hàng tháng đều có nghệ sĩ biểu diễn nên rất khó để định lượng tác động cụ thể của mảng này đến lạm phát cũng như so sánh giữa các concert với nhau.

"Với lạm phát ở Anh thì áp lực của các buổi concert này sẽ kéo dài tình trạng giá cả đi lên", chuyên gia kinh tế trưởng Paul Donovan của UBS Global Wealth Management cảnh báo khi nhắc đến chuỗi concert của Harry Styles trong tháng 6 này.

Tổng thư ký Andy Genster của tờ Pollstar chuyên theo dõi các sự kiện âm nhạc nhận định việc coi các chương trình như của Beyonce sẽ ảnh hưởng đến lạm phát là "điều lố bịch". Ông Genster dẫn bằng chứng rằng dù giá vé tăng cao nhưng lạm phát tại Mỹ từ tháng 5/2022, ở mức 8,6%, cho đến nay vẫn không tăng nhiều.

Trong khi đó với nhu cầu cực cao từ các chương trình âm nhạc sau quãng thời gian đại dịch, giám đốc Stephen Glagola của TD Cowen cho rằng giá vé các concert này trên thị trường thứ cấp sẽ còn tăng bình quân 75-100% so với giá gốc trước sự điên cuồng của người hâm mộ.

Hãng tin Reuters cho hay Bộ lao động Mỹ không đo lường tác động của các concert đến tình hình lạm phát chung nhưng chỉ số lạm phát bởi những sự kiện biểu diễn trực tiếp hiện đang cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức lạm phát chủ chốt tại Mỹ.

Điên rồ

Theo Reuters, sự kích thích tiêu dùng của các sự kiện âm nhạc không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn tạo nên thị trường đầu cơ vé concert, thu hút dòng tiền vào nền kinh tế một cách điên rồ.

Việc mua đi bán lại những tấm vé concert đã đẩy giá lên cao đến mức không tưởng, nhưng nhiều người hâm mộ thậm chí còn điên rồ hơn khi chấp nhận mức giá cao này.

Ca sĩ Taylor Swift khiến Ngân hàng trung ương Anh có thể hoãn hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm: Sức mạnh 1,27 tỷ USD của ‘Swiftflation’- Ảnh 6.

Trên trang Stubhub chuyên buôn vé, mức rẻ nhất cho buổi biểu diễn của Taylor Swift vào tháng 7/2023 ở Seattles-Mỹ đã bị đầu cơ lên đến 1.200 USD, còn giá vé buổi diễn ở Mexico là 500 USD/vé.

"Tôi phải dùng đến 9 số điện thoại cho 3 tài khoản khác nhau trên trang Ticketmaster, đi kèm 3 tấm thẻ tín dụng khác nhau để săn vé", anh Joel Barrios, một người hâm mộ Beyonce tại Los Angeles nói khi cho biết mình đã chi đến 7.000 USD tiền vé cho 3 concert tại Mỹ, bao gồm bản thân anh và bạn bè, cùng 6.650 USD nữa cho một vài concert khác ở Châu Âu, chưa tính đến những chi phí khác.

Còn theo trang HITC, giá vé bán lại trên thị trường thứ cấp chương trình "Born Pink" của BlackPink tại Los Angeles-Mỹ có thể dao động từ 876-1.729 USD/người.

Một trường hợp khác là cô Carolina Candelas thì dễ thở hơn khi chỉ phải chi 92 Euro, tương đương 101 USD cho chương trình của Beyonce khi đi cùng gia đình đến Barcelona.

Rõ ràng, các sự kiện biểu diễn đang trở thành mỏ vàng của nền kinh tế địa phương lẫn dân đầu cơ phe vé. Thậm chí những thần tượng như Taylor Swift còn có thể ảnh hưởng đến cả quyết định của chính phủ vì sức hút của mình.

*Nguồn: CNBC, CNN, Reuters