Theo Cơ quan Khí tượng Thâm Quyến, những trận mưa xối xả đã quét qua nhiều khu vực vào sáng cùng ngày. Người dân được khuyến cáo nên đề phòng mưa lớn và nguy cơ ngập úng, lũ quét, lở đất và sụt lún mặt đất, đồng thời tránh xa các khu vực trũng và dễ bị lũ lụt. Hoạt động tại sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến cũng bị gián đoạn.
Trước đó một ngày, khoảng 110.000 cư dân ở tỉnh Quảng Đông đã được di dời khi lũ lớn tràn về sông Bắc Giang chảy qua địa phận tỉnh do mưa lớn liên tục trong những ngày gần đây.
Vào sáng 22-4, lưu lượng đỉnh điểm tại trạm thủy văn Shijiao, nằm trên dòng chính của sông Bắc Giang ở TP Thanh Viễn của tỉnh, đã tăng lên 18.100 m3/giây, đạt chuẩn lũ lớn của Bộ Thủy lợi Trung Quốc. Đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và 10 người mất tích do lũ.
Trong khi đó, báo cáo mới được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 23-4 cho biết châu Á tiếp tục là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới trong năm 2023.
Có tổng cộng 79 thảm họa liên quan các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đã được báo cáo ở châu Á trong năm ngoái. Trong số này, hơn 80% liên quan lũ lụt và bão, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng.
Tác động của các đợt nắng nóng cũng ngày một nghiêm trọng hơn nhưng vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho biết nhiều quốc gia châu Á đã trải qua năm 2023 nóng kỷ lục, song hành với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt - từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai xảy ra thường xuyên và nặng nề hơn, từ đó tác động mạnh đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là tính mạng con người và môi trường sinh sống.