Trong ngày 24/11, Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN. Nước này ghi nhận 5.857 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.081.992 ca.
Tại Malaysia, nước này có thêm 5.594 ca mắc mới, đứng thứ ba ASEAN về ca mắc mới, chỉ sau Việt Nam và Thái Lan. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.597.080 ca mắc COVID-19.
Singapore ghi nhận 1.782 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 255.431 ca mắc.
Tiếp đó là Lào với 1.336 ca mắc mới; Philippines với 890 ca mắc mới; Myanmar với 631 ca mắc mới; Indonesia với 451 ca mắc mới; Brunei với 70 ca mắc mới và Campuchia với 34 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, các quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (200 ca), Việt Nam (125 ca), Thái Lan (55 ca), Malaysia (47 ca), Indonesia (13 ca), Myanmar (7 ca), Singapore (5 ca), Lào (5 ca), Campuchia (5 ca) và Brunei (1 ca).
Lào ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao tại thủ đô Viêng Chăn
Bộ Y tế Lào ngày 24/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.336 ca mắc mới COVID-19 và 5 ca tử vong, Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 65.818 ca, trong đó có 142 người tử vong.
Bộ trên nêu rõ tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Lào vẫn đáng lo ngại khi số ca mắc mới tiếp tục gia tăng, trong đó chỉ có 6 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận tại tất cả 18 tỉnh, thành. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ngày 24/11 ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất từ trước đến nay và nhiều nhất cả nước, với 712 ca, tăng 120 ca so với ngày 23/11, khiến số bản được quy định là vùng đỏ vẫn ở mức cao với 333 bản tại 9 quận.
Theo Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC) thuộc Bộ Y tế Lào, hiện mỗi ngày nước này ghi nhận hơn 900 ca mắc mới COVID-19 với tỷ lệ phát hiện dương tính trung bình cả nước là 20,74%, trong khi tỷ lệ ở thủ đô Viêng Chăn là trên 30% và nhiều tỉnh đang có dấu hiệu gia tăng ca mắc mới theo ngày. Người mắc mới COVID-19 trong thời gian gần đây chủ yếu là thành viên gia đình của người mắc bệnh, giáo viên, học sinh, sinh viên, người trong trại giam, cán bộ tuyến đầu, nhân viên ngân hàng và các tổ chức, cơ quan.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đã yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trương truy vết, điều trị cho người nhiễm bệnh và đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly tại các cơ sở theo đúng quy định, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và gia đình.
Cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tại Malaysia
Khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng cao, số ca mắc mới COVID-19 sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian từ 3-6 tháng khi khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra giảm, số ca nhiễm mới sẽ tăng trở lại theo đồ thị hình chữ U. Đây là nhận xét chung của các chuyên gia y tế Malaysia ở thời điểm hiện tại.
Tiến sĩ Chow Ting Soo, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Penang, cho biết ở thời điểm hiện tại, khoảng 90% dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại hầu hết các nước có chiến dịch tiêm chủng lớn, do đó số ca mắc mới COVID-19 sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, số ca mắc mới sẽ tăng trở lại do sự xuất hiện của các biến thể mạnh hơn và có khả năng lây truyền cao hơn. Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giảm dần nên ngay cả khi đã hoàn thành tiêm chủng vẫn có thể mắc COVID-19. Do vậy, Tiến sĩ Ting Soo nhấn mạnh ngành y tế Malaysia đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong trường hợp số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại khi xảy ra làn sóng dịch lần thứ tư.
Tiến sĩ Ting Soo nhận định thêm rằng việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết để tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Theo bà, những người trên 40 tuổi và những người trên 18 tuổi có bệnh lý nên tiêm mũi tăng cường này.
Trong khi đó, Tiến sĩ virus học, Kumitaa Theva Das, dự báo nếu làn sóng dịch COVID-19 thứ tư xảy ra, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh nhân nhập viện sẽ gia tăng đáng kể. Bà cho rằng giới chức y tế cần lên kế hoạch ứng phó phù hợp, tránh để xảy ra kịch bản tương tự như tại châu Âu với sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 chủ yếu ở người cao tuổi - những người đã tiêm vaccine sớm nhất trong năm nay - và ở trẻ em chưa đủ tuổi tiêm phòng.
Giảng viên Viện Nghiên cứu Y học phân tử của Đại học Sains Malaysia, Phó Giáo sư Venugopal Balakrishnan, nhận định nếu một đợt lây lan dịch COVID-19 nữa xảy ra, sẽ xuất hiện nhiều biến thể đáng lo ngại như Delta. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra dự báo về việc gia tăng các ca mắc mới. Tình huống này có thể dẫn đến áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) một lần nữa.
Malaysia đã trải qua 3 đợt dịch COVID-19 kể từ ngày 25/1 năm ngoái. Cho đến nay, chính phủ vẫn đang ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba bằng cách tiêm chủng và yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội. Ngày 20/11 vừa qua, bang Melaka vừa tổ chức bầu cử, mặc dù chính quyền địa phương đã áp đặt quy định giãn cách rất chặt chẽ, nhưng các chuyên gia y tế vẫn đang cảnh giác cao với nguy cơ bùng phát dịch khoảng 10-14 ngày sau sự kiện này.
Singapore và Malaysia mở lại biên giới trên bộ cho những người đã tiêm phòng COVID-19
Ngày 24/11, Singapore và Malaysia thông báo vào tuần tới sẽ triển khai luồng du lịch trên bộ, cho phép những người đã tiêm phòng COVID-19 đi qua cửa khẩu biên giới hai nước mà không cần phải cách ly. Kế hoạch dự kiến có hiệu lực vào ngày 29/11 tới.
Văn phòng Thủ tướng Singapore nêu rõ trong giai đoạn đầu, luồng du lịch trên bộ này sẽ áp dụng với các công dân có quốc tịch, cư dân thường trú, hoặc những người có giấy phép cư trú lâu dài tại quốc gia mà họ định nhập cảnh, cho phép họ thăm thân. Luồng du lịch này sẽ dần được mở rộng qua thời gian. Phía Malaysia cũng đã thiết lập luồng du lịch trên bộ riêng trong ngày 24/11.
Với dân số chỉ khoảng 5,45 triệu người, Singapore phải phụ thuộc vào các cư dân đang sinh sống tại bang Johor, miền Nam Malaysia để cung cấp lao động cho loạt lĩnh vực từ dịch vụ nhà hàng đến sản xuất của nước này. Nhiều người Malaysia đã quen với việc đi lại qua biên giới hai nước trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trước đó, Malaysia và Singapore thông báo sẽ chính thức khởi động Luồng Du lịch dành cho người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 (VTL) giữa 2 nước từ ngày 29/11. Cụ thể, những du khách đã hoàn tất việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ có thể đi lại giữa sân bay quốc tế Changi của Singapore và sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia thông qua VTL. Những du khách này chỉ phải xét nghiệm COVID-19 sau khi nhập cảnh, nếu âm tính sẽ không phải cách ly.
Indonesia siết chặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng
Ngày 24/11, Chính phủ Indonesia chính thức thông báo áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 đồng loạt trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Chính quyền trung ương Indonesia yêu cầu lãnh đạo các địa phương siết chặt và giám sát việc triển khai các quy định phòng dịch COVID-19 theo PPKM cấp độ 3 tại các nhà thờ, khu mua sắm và các điểm du lịch. Tất cả các quảng trường trên cả nước cũng bị cấm mở cửa trong những ngày lễ cuối năm, trong khi nhà thờ, các điểm thu hút khách du lịch, trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim có thể mở cửa với 50% công suất tối đa. Lực lượng chức năng sẽ tổ chức các chốt kiểm tra trên các tuyến giao thông trọng điểm nhằm giám sát dòng người đổ về quê.
Trong thời gian áp dụng biện pháp phòng dịch trên từ ngày 24/12/2021 đến ngày 02/1/2022, công chức, viên chức, giáo viên, sinh viên, học sinh, binh sĩ, cảnh sát, người lao động tại các công ty nhà nước ở Indonesia bị cấm nghỉ phép.
Trước đó, ngày 17/11, Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy cho biết PPKM cấp độ 3 sẽ được áp đặt đồng bộ trên cả nước trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022 nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba ở nước này. Bộ trưởng Muhadjir nhấn mạnh biện pháp này được ban hành với mục tiêu siết chặt các hoạt động đi lại của người dân và ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới COVID-19 được dự báo sau kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Campuchia công bố các biện pháp phòng dịch mới đối với người nhập cảnh
Bộ Y tế và Ủy ban liên Bộ chống COVID-19 của Campuchia đã công bố các điều kiện đi lại, các biện pháp y tế và cách ly mới đối với du khách nhập cảnh nhằm phù hợp với tình hình bình thường mới.
Báo Khmer Times dẫn thông báo của bộ trên nêu rõ du khách đã tiêm phòng COVID-19 đủ mũi cần có giấy chứng nhận tiêm phòng và giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia do cơ quan y tế nước ngoài, hoặc nước khách quá cảnh cấp. Khi đến Campuchia, du khách phải thực hiện xét nghiệm nhanh và chờ kết quả. Nếu kết quả âm tính, du khách không cần cách ly mà được tự do đi lại. Người có kết quả dương tính phải đi điều trị COVID-19 tại cơ sở do Bộ Y tế Campuchia chỉ định.
Đối với khách chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi cơ bản, khi nhập cảnh Campuchia, họ phải xét nghiệm nhanh. Nếu kết quả âm tính, khách phải cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly do Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định và thực hiện xét nghiệm PCR vào ngày cách ly cách ly thứ 13. Nếu kết quả dương tính, bệnh nhân được chuyển đi điều trị tại cơ sở do Bộ Y tế chỉ định. Khách cần đặt trước khách sạn cách ly, nếu không đặt trước, khách phải đặt cọc 2.000 USD tiền mặt làm chi phí đảm bảo cách ly khi nhập cảnh.
Trong trường hợp cần thị thực, khách phải xin thị thực trước khi đi tại Đại sứ quán Campuchia và Tổng lãnh sự quán Campuchia ở nước ngoài.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Campuchia giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 và quốc gia Đông Nam Á này đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong thông cáo ngày 24/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 34 ca mắc COVID-19 và 5 ca tử vong, trong đó 3 ca chưa tiêm phòng.
Trong bối cảnh chiến dịch tiêm phòng COVID-19 gần đạt mục tiêu đề ra, lượng khách du lịch nội địa tại Campuchia tăng mạnh, chuẩn bị sẵn sàng đón du khách quốc tế quay trở lại.
Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, trong ba ngày nghỉ Lễ hội Nước từ 18-20/11 vừa qua, khoảng 910.150 người đã đi du lịch Campuchia, tăng 37% so với dịp Lễ Pchum Ben diễn ra tháng trước.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức