Cứ 5 shipper thì 2 người nghỉ việc ở Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy của 50 triệu lao động ngành giao hàng TMĐT

30/05/2024 13:42

Các shipper Trung Quốc giờ đây phải đến tận nhà, xác nhận người mua từng đơn hàng chứ không được gom đơn hay để tại các khu giữ hàng của chung cư nữa.

Vào ngày 1/4/2024, Trung Quốc đã ban hành quy định mới trong mảng giao hàng. Những quy định mới này được cho là đang làm khó hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ tại Trung Quốc đang hoạt động trong mảng này.

Cụ thể, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu người nhận cung cấp thông tin nhận dạng tên thật khi nhận hàng tại nhà và đề nghị các công ty giao hàng niêm yết giá phí dựa trên mức giá trần nhà nước đưa ra. Những nhân viên giao hàng (Shipper) cũng phải giao đúng giờ theo quy định mới và sẽ bị phạt gấp 3-15 lần giá trị đơn hàng.

Thêm nữa, luật mới nêu rõ người mua được phép yêu cầu bồi thường nếu hàng hóa bị mất mát, chậm trễ, hoặc bị bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể về quản lý giao hàng bằng xe 3 bánh, ví dụ như giới hạn tốc độ, trọng lượng. Thêm nữa, quy định mới cũng ghi rõ những loại phương tiện vận tải được phép sử dụng để giao hàng.

Cứ 5 shipper thì 2 người nghỉ việc ở Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy của 50 triệu lao động ngành giao hàng TMĐT- Ảnh 1.

Những quy định mới này ban đầu là để chuẩn hóa ngành giao hàng thương mại điện tử (TMĐT) vốn đang bùng nổ nhanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên sự siết chặt quản lý này lại đang khiến nhiều chi nhánh giao hàng gặp khó vì không kiếm được nhân viên chấp nhận các quy định mới này.

Nguyên nhân rất đơn giản, nghề shipper đã vô cùng khó khăn khi các nhân viên giao hàng phải chạy đua tốc độ để kịp hoàn thành các đơn hàng trong khi mức thu nhập không hề cao. Giờ đây việc áp dụng những quy định mới còn khiến những shipper này tốn thêm gấp 2-3 lần thời gian giao hàng, qua đó làm thu nhập của họ bị giảm.

Với thu nhập bình quân mỗi chuyến hàng chỉ vào khoảng 10 Nhân dân tệ, giờ đây các shipper còn chẳng đủ tiền xăng xe vì các quy định mới.

Số liệu của Bộ thương mại Trung Quốc cho thấy có hơn 50 triệu người tham gia giao nhận hàng trên khắp cả nước.

Trong khi đó tờ SCMP cho biết khoảng 65.000 thạc sĩ, 170.000 cử nhân tại Trung Quốc đang làm nghề shipper cho hãng Meituan.

Đúng người, đúng thời gian, đúng địa điểm

Thông thường các shipper sẽ nhận nhiều đơn hàng, đợi đủ nhiều để giao cùng lúc nhằm tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả và lợi nhuận sau mỗi chuyến đi. Tuy nhiên quy định mới buộc các shipper này phải bỏ nhiều đơn giao hàng nếu không muốn bị phạt vì giao trễ.

Thêm nữa, trước đây các khu chung cư Trung Quốc sẽ có những nơi tập trung để hàng cho các shipper thay vì đưa lên tận phòng và dịch vụ giao hàng tận tay sẽ phải tính thêm phí. Phương thức này tiết kiệm thời gian cho shipper khiến họ có mức thu nhập đủ sống.

Cứ 5 shipper thì 2 người nghỉ việc ở Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy của 50 triệu lao động ngành giao hàng TMĐT- Ảnh 2.

Tuy nhiên quy định mới buộc người giao hàng phải xác nhận tính danh và khiến shipper chẳng có cách nào khác phải giao tận tay người mua. Thay vì tập trung ở một điểm và gọi người mua ra nhận hàng thì nay các shipper sẽ phải tìm đến tận địa chỉ của từng người, đề nghị xác nhận từng đơn hàng.

Tệ hơn, những đơn hàng ở vùng xa xôi hẻo lánh sẽ không thể để hàng ở một trung tâm cho người mua đến lấy mà cũng phải giao hàng về đến tận nhà, gây tốn kém chi phí.

Đó là chưa kể đến những công ty, khu vực giới hạn người lạ khiến shipper không thể giao tận tay người nhận nhưng vẫn bị yêu cầu xác nhận đơn hàng nếu không muốn bị đánh giá 1 sao hoặc bị phạt. Quan điểm xã hội Trung Quốc về vị thế của shipper khá thấp khiến nghề này thường không được coi trọng, gây sự ức chế rất lớn cho những người làm trong ngành.

Xin được nhắc rằng dù tốn thời gian hơn nhưng người mua lại không phải trả thêm chi phí phát sinh nào, thậm chí được quyền khiếu kiện, hoàn hàng...khiến shipper ngày càng khó sống. Đó là chưa kể phải tự thân phân loại hàng ở kho mà không có thêm chi phí, thậm chí không có ngày nghỉ lễ.

Cứ 5 shipper thì 2 người nghỉ việc ở Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy của 50 triệu lao động ngành giao hàng TMĐT- Ảnh 3.

Trước đây bình quân mỗi shipper Trung Quốc có thể giao 200 gói hàng mỗi ngày thì với quy định mới, con số chỉ còn chưa đến 80.

Giá giao hàng bình quân mỗi gói hàng đã giảm từ 6 Nhân dân tệ xuống còn 4 Nhân dân tệ, nhưng khoảng cách vận chuyển lại dài hơn khi ngày càng nhiều người dân tham gia TMĐT, tăng từ trung bình 3km lên 7km.

Nói đơn giản nếu giao một món ăn trong 7km thì shipper chỉ nhận được 4 Nhân dân tệ (14.000 đồng).

Trong bối cảnh việc đạt chỉ tiêu để lấy thưởng ngày càng khó khăn, tiền phạt ngày càng lớn, nhu cầu mua sắm TMĐT nhiều lên khiến áp lực tăng cao, rất nhiều shipper đã quyết định tắt ứng dụng, bỏ nghề để chuyển sang hướng khác.

Bình quân cứ 5 shipper thì 2 người đã quyết định nghỉ việc.

Vụ việc này đang khiến nhiều chi nhánh hỗn loạn khi hàng hóa bị chất đống, không thể giao hàng đến tay người dùng vì các shipper tắt ứng dụng. Các nhân viên chi nhánh phải tăng ca qua đêm để giải quyết các đơn hàng chất đống như núi nhưng cũng không thể giải quyết tình hình khi nhiều trung tâm bị tê liệt vì quá tải đơn hàng.

Về phía người bán, họ buộc phải tăng phí vào giá bán để bù vào tỷ lệ hoàn đơn do ảnh hưởng từ quy định mới.

Thế nhưng với tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt hầu bao thì động thái này chẳng khác nào càng khiến nghề shipper và ngành TMĐT vỡ trận.

Cứ 5 shipper thì 2 người nghỉ việc ở Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy của 50 triệu lao động ngành giao hàng TMĐT- Ảnh 4.

Thi chạy vượt chướng ngại vật

Sự khó khăn của nghề shipper tại Trung Quốc đang khiến nhiều người trong ngành nói đùa rằng mỗi ngày họ phải đang "thi chạy vượt chướng ngại vật" để tìm được người mua, giao tận tay với nụ cười trên môi nhằm tránh bị phạt.

Anh Xu Jianguo, một shipper kỳ cựu nói với tờ Sixth Tone rằng nhiều người mới lầm tưởng nghề giao hàng này có thể kiếm được đến 10.000 Nhân dân tệ/tháng, tương đương hơn 35 triệu đồng. Thế nhưng thực tế anh Xu dù đã làm lâu năm nhưng may mắn lắm cũng chỉ kiếm chưa đến 7.000 Nhân dân tệ và con số này đang ngày càng giảm trước những quy định mới.

"Công việc này ngày càng trở nên khó khăn. Bây giờ với mỗi đơn hàng, tôi chỉ được trả 5 đến 6 Nhân dân tệ, thấp hơn mức 7 Nhân dân tệ của năm ngoái. Nếu cứ tiếp tục thế này, chắc tôi phải đổi nghề thôi", anh Xu ngán ngẩm.

Tờ Sixth Tone cho hay những shipper thường có lịch trình tương đối cố định từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều và bình quân mỗi người có chỉ tiêu phải giao khoảng 100 đơn hàng nếu muốn nhận được mức thu nhập đủ sống.

Cứ 5 shipper thì 2 người nghỉ việc ở Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng chưa từng thấy của 50 triệu lao động ngành giao hàng TMĐT- Ảnh 5.

Kháo sát của Sixth Tone cho thấy 27% số người được hỏi mong muốn có chế tài quản lý nhân đạo hơn, bao gồm việc phạt nhẹ hơn, công tâm khi xem xét đánh giá từ khách hàng và có các kênh hiệu quả để shipper khiếu nại về hành vi sai trái của khách hàng.

Ví dụ, các shipper thường phải chịu hình phạt nghiêm khắc nếu bị khách hàng khiếu nại, thường vào khoảng 50 Nhân dân tệ mỗi đơn.

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng công bằng trong việc đánh giá, thậm chí để lại nhận xét tiêu cực mà chẳng cần lý do.

"Ví dụ như một gói hàng của họ bị hỏng trong quá trình phân loại, không phải trong quá trình giao hàng, họ vẫn đánh giá xấu về tôi mà chẳng thèm nghe tôi giải thích", người giao hàng 32 tuổi tên Wan Li nói.

Tờ NPR thì cho hay bình quân các shipper tại Trung Quốc phải hoạt động 12 giờ/ngày dưới sự giám sát tự động và sát sao của các ứng dụng di động. Nó sẽ theo dõi cách thức và thời điểm họ phân phối hàng trăm gói hàng mỗi ngày.

Nhân viên giao hàng là một mắt xích quan trọng trong các dịch vụ chuyển phát nhanh theo yêu cầu của Trung Quốc. Các dịch vụ vận chuyển như vậy đã giúp luân chuyển hơn 60 tỷ gói hàng mỗi năm và tạo ra gần 1% hoạt động kinh tế hàng năm của Trung Quốc.

*Nguồn: Tổng hợp