Cuốn 1 vòng trái đất vẫn dư hơn 5.000km, nắm giữ đồng thời cả 2 kỷ lục “dài nhất và ngắn nhất”, hệ thống này của Trung Quốc khiến cả phương Tây cũng phải hụt hơi đuổi theo dù từng tiên phong

07/05/2024 20:15

Hệ thống đường cao tốc của Trung Quốc không chỉ dài nhất thế giới, mà còn được xây dựng trong thời gian ngắn kỉ lục.

Vào ngày 1/5 vừa qua, ngày đầu tiên của kì nghỉ lễ Quốc tế Lao động, đường sắt cao tốc Trung Quốc lập kỷ lục về lượng người di chuyển trong một ngày, đưa đón 20 triệu hành khách trong vòng 24 tiếng.

Tới nay, hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc đã bỏ xa các quốc gia phương Tây. Theo thống kê năm 2022, đường sắt cao tốc của Trung Quốc dài hơn tổng độ dài đường sắt cao tốc của 10 quốc gia tiếp theo cộng lại.

Quốc gia có độ dài đường sắt cao tốc đứng sau Trung Quốc là Tây Ban Nha với 3.600 km, Nhật Bản 3.000 km và Pháp 2.700 km. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 735 km.

Cuốn 1 vòng trái đất vẫn dư hơn 5.000km, nắm giữ đồng thời cả 2 kỷ lục “dài nhất và ngắn nhất”, hệ thống này của Trung Quốc khiến cả phương Tây cũng phải hụt hơi đuổi theo dù từng tiên phong- Ảnh 1.

Thống kê chiều dài các tuyến đường sắt cao tốc đi vào hoạt động trên toàn thế giới đến năm 2022, xếp theo quốc gia (đơn vị: km)

Phát triển thần tốc

Theo CNN, điều khiến thế giới kinh ngạc là cho tới những năm đầu của thế kỉ 21, Trung Quốc không hề có đường sắt cao tốc.

Trước đây, những chuyến tàu chậm và có không gian ngồi bất tiện hoạt động khắp đất nước rộng lớn này. Tàu có tốc độ trung bình thấp khiến những hành trình dài hơn 1.000km như Thượng Hải-Bắc Kinh trở thành một “bài thử thách sức bền” khi di chuyển.

Ngày nay, bức tranh đã trở nên hoàn toàn khác. Trung Quốc hiện nay đã sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2008, hệ thống đường sắt Trung Quốc đã liên tục lập các thành tích mới.

Tính đến năm 2019, tất cả 34 khu vực hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc - ngoại trừ Tây Tạng và Ma Cao - đều đã mở đường sắt cao tốc. Đến cuối năm 2023, quãng đường vận hành đường sắt của Trung Quốc đạt khoảng 159.000 km, trong đó hơn 45.000 km là đường sắt cao tốc, dài hơn cả chu vi Trái Đất (40.075 km).

Mạng lưới đường sắt dự kiến sẽ tăng gần gấp rưỡi chiều dài một lần nữa, lên khoảng 70.000 km vào năm 2035.

Với tốc độ tối đa 350 km/h trên nhiều tuyến, việc di chuyển liên tỉnh ở Trung Quốc đã thay đổi và các hãng hàng không không còn nắm giữ “vị thế thống trị” trong hoạt động vận tải.

Theo “Quy hoạch mạng lưới đường sắt trung và dài hạn (Điều chỉnh năm 2016)”, từ năm 2016 đến năm 2025 (dài hạn đến 2030), Trung Quốc dự kiến xây dựng 8 tuyến đường sắt theo trục dọc và 8 tuyến theo trục ngang đất nước để làm khung kết nối cho các khu vực và vùng liên tỉnh.

Đến năm 2020, 75% thành phố Trung Quốc với dân số từ 500.000 người trở lên đã có đường sắt cao tốc.

Trong khi đó, Tây Ban Nha – quốc gia có mạng lưới tốc độ cao rộng khắp nhất châu Âu và chiếm vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng toàn cầu - chỉ là một quốc gia nhỏ bé so với hơn 3.600 km đường sắt chuyên dụng được xây dựng để hoạt động với tốc độ trên 250 km/h.

Ngược lại, Vương quốc Anh hiện chỉ có 107 km trong khi Mỹ chỉ có một tuyến đường sắt (gần như) đủ tiêu chuẩn cho tàu tốc độ cao – CNN đánh giá.

Biểu tượng của sức mạnh kinh tế

Tham vọng của Trung Quốc là biến đường sắt cao tốc thành phương thức được lựa chọn cho du lịch đường dài trong nước, nhưng những tuyến đường sắt mới này có ý nghĩa lớn hơn nhiều.

Giống như tàu Shinkansen của Nhật Bản vào những năm 1960, chúng là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế của đất nước, hiện đại hóa nhanh chóng, sức mạnh công nghệ ngày càng tăng và sự thịnh vượng ngày càng tăng.

Cuốn 1 vòng trái đất vẫn dư hơn 5.000km, nắm giữ đồng thời cả 2 kỷ lục “dài nhất và ngắn nhất”, hệ thống này của Trung Quốc khiến cả phương Tây cũng phải hụt hơi đuổi theo dù từng tiên phong- Ảnh 2.

Trung Quốc không chỉ có tàu cao tốc mà còn có "tàu siêu tốc" với vận tốc 620km/h. Ảnh: STR/AFP/Getty Images

Đối với Trung Quốc, đường sắt cao tốc cũng là một công cụ mạnh mẽ để gắn kết xã hội, tạo ảnh hưởng chính trị và kết nối các khu vực có nền văn hóa khác biệt trên lãnh thổ rộng lớn.

Tiến sĩ Olivia Cheung, nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) của Đại học London, cho biết: “Việc xây dựng những tuyến đường sắt mới này là một phần trong kế hoạch lớn của chủ tịch Tập Cận Bình. Nó cũng phản ánh ‘triết lý phát triển mới’ của ông, trong đó ‘phát triển phối hợp’ là khái niệm then chốt”.

“Kế hoạch của ông rất tuyệt vời ở chỗ nó không chỉ đơn giản là kết nối các đô thị hiện có mà còn cả các thành phố lâu đời với các siêu đô thị mới đang được xây dựng từ đầu”.

CNN cho biết Trung Quốc đang lặp lại kì tích đường sắt trong lịch sử, khi các nước Bắc Mỹ, Châu Âu, Nga, Anh thực hiện trên lãnh thổ của họ để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở chỗ, trong khi các quốc gia tốn hàng chục năm để xây dựng đường sắt trong thế kỷ 19 và 20, thì Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chỉ trong vài năm.

Tham khảo CNN