Đô đốc Mỹ thừa nhận sự thật đắng ở Bắc Cực

26/04/2024 12:30

Đô đốc Steven D. Poulin - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ thừa nhận rằng, Mỹ đang mất vị thế ở Bắc Cực trước các đối thủ ngang hàng như Nga và Trung Quốc.

Trong cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 24/4, Đô đốc Steven D. Poulin - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ đã thừa nhận rằng, Mỹ đang mất vị thế dẫn đầu ở Bắc Cực trước các đối thủ Nga và Trung Quốc, theo Sputnik.

Đô đốc Mỹ gọi Nga và Trung Quốc là "các đối thủ ngang hàng" và thừa nhận rằng Mỹ đang mất đi vị thế ở Bắc Cực vì thiếu khả năng từ tàu phá băng.

"Chúng ta đang mất dần vị thế ở Bắc Cực vì không có khả năng phá băng như một số đối thủ cạnh tranh ngang hàng.

Nga có hơn 40 tàu phá băng và muốn tăng cường đội tàu của mình. Trung

Quốc đang xây dựng năng lực phá băng ở cả vùng vĩ độ cao ở phía bắc và phía nam. Còn chúng ta có một tàu phá băng hạng nặng và một tàu phá băng hạng trung” - Đô đốc Poulin cho hay.

Dẫu vậy, vị phó Tư lệnh Mỹ vẫn nhận xét đầy lạc quan rằng, khoảng cách giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc ở Bắc Cực sẽ rút ngắn dần trong tương lai. Việc cơ bản nằm ở chỗ Washington chỉ cần đẩy nhanh chế tạo các tàu phá băng hạng nặng mới.

Theo ông Poulin, Mỹ phải có mặt ở Bắc Cực để đảm bảo không gian đại dương có được sự quản trị hàng hải tốt và chủ quyền cũng như pháp quyền được bảo vệ.

Vào tháng 12 năm 2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một kế hoạch được gọi là "Dự án Mở rộng Lãnh thổ Lục địa", với mục tiêu là tuyên bố quyền chủ quyền đối với các khu vực nằm ngoài phạm vi biển lãnh hải của Mỹ, ước tính khoảng 1 triệu km2.

Trong khi đó, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia có thể có yêu sách biển lên đến 200 hải lý (tương đương 370 km) tính từ bờ biển của mình trên các đại dương trên thế giới.

Các bản đồ được công bố bởi Bộ Ngoại giao đã thể hiện rằng Mỹ đã tuyên bố quyền chủ quyền đối với sáu khu vực khác nhau, bao gồm cả khu vực ở Bắc Cực và biển Bering dọc theo biên giới biển với Nga. Trong đó, yêu sách ở Bắc Cực vượt quá 350-680 hải lý (tương đương 321km), trong khi yêu sách ở biển Bering kéo dài khoảng 340 hải lý về phía đông.

Ngoài ra, Washington cũng muốn giành giật các phần đáy biển phía bắc của Quần đảo Mariana ở Thái Bình Dương, cũng như khu vực ngoài khơi bờ biển phía tây của California.

Ở Đại Tây Dương, Mỹ đã tuyên bố chủ quyền đối với một vùng đáy biển rộng lớn vượt quá 300 km, cũng như hai phần của Vịnh Mexico dọc theo biên giới với Mexico và Cuba.

Đầu tháng 4/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết NATO đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực và thiết lập các chuỗi chỉ huy trụ sở mới ở đó. Ông tuyên bố, phía Nga sẽ phản ứng thỏa đáng với các hành động của NATO.

Trong những năm gần đây, Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự gia tăng của NATO ở Bắc Cực, cho rằng có nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ ngoài ý muốn trong khu vực. Moscow cũng đã cho phép khả năng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu các hoạt động của tổ chức này không đáp ứng được lợi ích của Nga.

Bạn đang đọc bài viết "Đô đốc Mỹ thừa nhận sự thật đắng ở Bắc Cực" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]