Giá vàng trồi sụt
Kết thúc ngày 23/4, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp niêm yết ở mức 81-83,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Phiên hôm qua, ngay khi mở cửa phiên, vàng miếng rớt cả triệu đồng mỗi chiều, sau đến phiên chiều giá lại bật tăng trở lại.
Ngân hàng Nhà nước hôm qua cũng đã cho đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC sau 11 năm dừng hoạt động này. Giá tham chiếu cho mỗi lượng vàng miếng SJC của phiên đấu thầu là 80,7 triệu đồng, thấp hơn so với giá bán ra thị trường tại thời điểm đấu giá khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Kết quả, 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, chiếm 20% so với quy mô chào thầu. Giá trúng cao nhất là 81,33 triệu đồng còn thấp nhất 81,32 triệu đồng.
Vàng nhẫn kết phiên được niêm yết tại 72,9-74,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm tiếp 500.000 đồng mỗi chiều so với thời điểm mở cửa phiên.
Tại thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đạt 2.329 USD/ounce - mức thấp nhất hơn một năm trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt. Từ đầu tuần, kim loại quý này đã "bốc hơi" khoảng 60 USD. Daniel Ghali - chiến lược gia hàng hóa cấp cao của TD Securities - một ngân hàng chuyên về đầu tư - nói: "Rủi ro xung đột tại Trung Đông đã bị loại trừ, khiến nhà đầu tư bán vàng".
Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế phí, giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng miếng SJC trong nước khoảng 11-12 triệu đồng, tùy thời điểm.
Vàng có khả năng giảm sâu hơn, nhưng các nhà phân tích cho rằng các yếu tố thúc đẩy đà tăng đột phá trong tháng 3 vẫn được giữ nguyên. Các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn để phòng ngừa mức nợ gia tăng. Đồng thời, các nhà đầu tư châu Á vẫn tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.
Carley Garner - đồng sáng lập của công ty môi giới DeCarley Trading - coi mức giảm về mức 2.330 USD hoặc 2.300 USD là điểm vào vững chắc cho các nhà đầu tư đã bỏ lỡ đợt phục hồi ban đầu. Mục tiêu tăng giá hiện tại của vị này với vàng là 2.650 USD/ounce.
USD trong ngân hàng lên kịch trần
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 106,1 điểm, tăng 4,7% từ đầu năm và hiện ở vùng giá cao nhất 6 tháng.
Ngân hàng Nhà nước kết phiên ngày 23/4 niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.275 đồng, tăng 15 đồng so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.061-25.488 đồng.
Theo đó, các ngân hàng cũng đã nâng mạnh giá USD, lên sát mức trần được phép. Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.148-25.488 đồng. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.260-25.485 đồng.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.770-25.870 đồng/USD (mua - bán), tăng 90 đồng ở chiều mua và tăng 110 đồng ở chiều bán ra so với trước đó.