Vàng thế giới và trong nước ngược chiều nhau
Kết phiên ngày 2/10, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với thời điểm mở cửa phiên. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán là 2 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tạm rời xa mốc kỷ lục, giảm 100.000 đồng so với trước đó, được niêm yết tại mức 81,4-82,9 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán là 1,5 triệu đồng. Loại vàng 0,3-0,5 chỉ được bán ra với giá 83 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại 82,1-84 triệu đồng/lượng (mua - bán), còn vàng nhẫn tại đây được niêm yết tại 82,19-83,14 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trên thế giới, giá vàng hôm nay được giao dịch quanh mốc 2.656 USD/ounce. Như vậy, chỉ trong 2 ngày đầu tháng 10, giá vàng đã tăng gần 30 USD. Thậm chí giá kim loại quý có thời điểm đạt mốc 2.672 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới thấp hơn 4,6 triệu đồng so với vàng miếng SJC, thấp hơn 3,5 triệu đồng so với giá vàng nhẫn trong nước.
Giá vàng thế giới duy trì mức cao sau khi Iran hôm 1/10 tập kích tên lửa vào Israel để báo thù cho cái chết của thủ lĩnh Hezbollah và Hamas. Israel nói rằng đây là các tên lửa đạn đạo. Bộ Quốc phòng Israel ước tính Iran đã phóng ra hơn 180 tên lửa đạn đạo, trong khi Lầu Năm Góc nói Tehran đã khai hỏa gần 200 quả đạn.
Jim Wyckoff, nhà phân tích tại Kitco Metals nhận định: "Nếu Israel thương vong nghiêm trọng, chúng ta có thể chứng kiến chiến sự trên toàn Trung Đông. Đây là điều mà các nhà đầu tư đang lo ngại, khiến nhu cầu mua vàng trú ẩn tăng cao". Vàng là công cụ được ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn kinh tế - chính trị.
Tai Wong, nhà đầu tư kim loại quý độc lập tại New York, cũng cho rằng diễn biến thị trường vàng biến động mạnh do nhu cầu tìm tài sản an toàn. Một nguyên nhân khác kéo giá vàng lên là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm, khiến công cụ không trả lãi như vàng trở nên hấp dẫn.
Tuy nhiên, diễn biến tăng của vàng được cho là khó duy trì được lâu. Đà tăng của vàng có dấu hiệu chững lại và thị trường đang "ngóng" dữ liệu lao động của Mỹ và phát biểu của nhiều quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để biết thêm thông tin về lập trường chính sách của cơ quan này.
Phiên 30/9, trước khi bật tăng, kim loại quý ghi nhận ngày tệ nhất trong 4 tuần, giảm hơn 20 USD/ounce sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố nhiều khả năng chỉ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong lần họp tới.
Chuyên gia phân tích thị trường Han Tan của Exinity Group cho rằng, nếu tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cao hơn dự kiến sẽ buộc Fed phải nới lỏng chính sách mạnh tay hơn và động thái đó có thể đưa giá vàng trở lại mức cao nhất mọi thời đại. "Chúng ta có thể thấy vàng đạt 2.700 USD/ounce trong thời gian tới, miễn là kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed vẫn còn nguyên vẹn" Tan nói thêm.
Giá USD tự do diễn biến khó lường
USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 101,2 điểm, giảm 0,43% so với trước đó.
Ngân hàng Nhà nước kết phiên hôm qua niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.081 đồng, giảm 37 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 22.876-25.285 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 24.400-24.770 đồng (mua - bán), tăng 40 đồng so với trước đó. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 24.400-24.860 đồng (mua - bán), cũng tăng 40 đồng ở chiều mua vào và bán ra.
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh được giao dịch tại 25.100-25.200 đồng (mua - bán), giảm 100 đồng mỗi chiều. Trong khi mở phiên đầu tuần, giá USD tự do tăng hơn 120 đồng mỗi chiều.