Giải mã về 'thỏa thuận lớn' giữa Mỹ và Saudi Arabia liên quan đến Israel và Gaza

06/05/2024 00:20

Thỏa thuận lớn của Mỹ gồm 3 thành phần, sẽ gắn kết tương lai của Saudi Arabia, Israel và một nhà nước Palestine độc lập.

Giải mã về 'thỏa thuận lớn' giữa Mỹ và Saudi Arabia liên quan đến Israel và Gaza- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Riyadh ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN ngày 4/5, các quan chức Mỹ cho biết nước này và Saudi Arabia đang hoàn thiện các chi tiết của một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường thương mại và quốc phòng song phương – nhưng sẽ không trọn vẹn nếu Saudi Arabia và Israel không thiết lập quan hệ ngoại giao.

Một hiệp ước phòng thủ sẽ củng cố liên minh an ninh kéo dài 7 thập kỷ giữa Saudi Arabia và Mỹ, đồng thời gắn kết họ gần nhau hơn bao giờ hết khi các đối thủ cạnh tranh của Mỹ như Iran, Nga và Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ lâu đã tìm kiếm mối quan hệ với Saudi Arabia, nơi có những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, và động thái này có thể gây ra "hiệu ứng domino" trên khắp thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn.

Thỏa thuận 3 thành phần

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết mới đây rằng Mỹ hiện đang đàm phán một thỏa thuận lớn liên quan đến ba thành phần.

Thành phần đầu tiên bao gồm một gói thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia, một thành phần khác có mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, và thành phần thứ ba liên quan đến con đường dẫn đến một Nhà nước Palestine.

“Tất cả đều được liên kết với nhau. Không thành phần nào tiến triển nếu không có những thành phần còn lại”, ông Miller nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trước một hội thảo trong khuôn khổ hội nghị kinh tế ở Riyadh tuần này rằng để bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, cần phải có con đường cho một Nhà nước Palestine và “hòa bình ở Gaza”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bên lề diễn đàn trên, ông Blinken đã gặp Thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman để thảo luận về thỏa thuận này. Các chuyên gia tiết lộ hiệp ước giữa Saudi Arabia - Mỹ bao gồm các đảm bảo về an ninh, kinh tế và công nghệ cho Riyadh cũng như hỗ trợ cho chương trình hạt nhân dân sự của quốc gia Trung Đông này.

Bên cạnh đó, thỏa thuận bình thường hóa giữa Riyadh và Tel Aviv dự kiến ​​sẽ được mô phỏng theo Hiệp định Abraham, một bộ hiệp ước trong đó bốn quốc gia Arab công nhận Israel vào năm 2020, nhưng bỏ qua yêu cầu lâu dài về một Nhà nước Palestine độc ​​lập như một điều kiện tiên quyết để công nhận Israel.

Trong vài năm trở lại đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi việc bình thường hóa Israel - Saudi Arabia là trọng tâm trong chính sách Trung Đông của mình. Mỹ và Saudi Arabia đã tiếp tục thảo luận về hiệp ước vào năm 2023 và Ngoại trưởng Blinken từng dự kiến ​​sẽ bay tới Riyadh vào ngày 10/10 năm ngoái để thảo luận chi tiết, chỉ ba ngày trước khi Hamas tấn công Israel, khiến nỗ lực này bị hoãn lại.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc tấn công sau đó của Israel vào Gaza, khiến khu vực này trở thành đống đổ nát và hơn 34.000 người Palestine thiệt mạng, có thể đã thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận đối với Saudi Arabia. Giờ đây, việc Israel chấp nhận một phần con đường “không thể đảo ngược” hướng tới một Nhà nước Palestine sẽ là chìa khóa cho tiến trình bình thường hóa quan trọng của thỏa thuận rộng hơn.

“Chúng tôi có những phác thảo khái quát về những gì cần phải diễn ra trên mặt trận Palestine [con đường dẫn tới một nhà nước Palestine] đáng tin cậy, không thể đảo ngược”, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan phát biểu tại một hội thảo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Ông Netanyahu đã nhiều lần bác bỏ viễn cảnh thành lập một Nhà nước Palestine độc ​​lập, cho rằng điều đó sẽ gây tổn hại đến an ninh của Israel và kiên quyết tiếp tục cuộc chiến ở Gaza cho đến khi Hamas bị đánh bại.

Theo các nhà phân tích, những trở ngại đó có thể khiến Saudi Arabia tìm cách kết thúc thỏa thuận song phương mà không có thành phần bình thường hóa với Israel. Nhưng cách tiếp cận như vậy sẽ gặp phải những trở ngại lớn. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết, một thỏa thuận thiết lập cam kết quân sự vững chắc của Mỹ đối với an ninh của Saudi Arabia mà không có yếu tố bình thường hóa sẽ khó có thể được Quốc hội Mỹ thông qua.

Firas Maksad, thành viên cấp cao và Giám đốc chiến lược tại Viện Trung Đông có trụ sở ở Mỹ, nhận định: “Có một con đường khác, được mô phỏng theo Thỏa thuận thịnh vượng và hội nhập an ninh toàn diện mà chính quyền Biden đã ký với Bahrain vào tháng 9/2023”, lưu ý văn bản đó “quy định rõ ràng rằng các bên khác có thể được mời tham gia”.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Biden sẽ chọn cách bỏ qua Quốc hội để thỏa thuận song phương với Saudi Arabia được thông qua.

Giải mã về 'thỏa thuận lớn' giữa Mỹ và Saudi Arabia liên quan đến Israel và Gaza- Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp tại cửa khẩu Kerem Shalom, biên giới Israel và Dải Gaza, ngày 1/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Một chiến thắng cho Saudi Arabia

Đối với Saudi Arabia, một thỏa thuận song phương với Mỹ sẽ là một thắng lợi lớn, đánh dấu sự kết thúc cho giai đoạn mà chính quyền Tổng thống Biden tìm cách "xa lánh" Riyadh sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post, với cáo buộc có liên quan đến các quan chức tình báo Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Maksad cho biết, thỏa thuận này cũng sẽ “củng cố sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ và sẽ làm giảm bớt thách thức ngày càng tăng do cả Trung Quốc và Nga đặt ra”.

Riyadh cũng mong muốn tăng cường khả năng phòng thủ của mình và đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia khỏi nhiên liệu hóa thạch khi theo đuổi chính sách kinh tế đầy tham vọng mang tên "Tầm nhìn 2030". Quốc gia Trung Đông này cũng có một chương trình hạt nhân dân sự non trẻ mà họ muốn phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ.

Karen Young, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu thuộc Đại học Columbia, nói: “Saudi Arabia muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ và đây có lẽ là thời điểm tốt nhất dưới thời chính quyền Biden để giúp một số vấn đề khó khăn hơn được Quốc hội Mỹ thông qua”.

Nhưng một điểm khúc mắc khác trong bất kỳ sự hỗ trợ nào của Mỹ cho một chương trình hạt nhân là việc Washington phản đối hoạt động làm giàu uranium tại Saudi Arabia, một thành phần quan trọng để tạo ra năng lượng hạt nhân cũng có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Saudi Arabia rất giàu trữ lượng uranium và luôn khẳng định có thể làm giàu uranium trong nước.

Trong tuần này, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Edward J. Markey, đồng chủ tịch Nhóm công tác kiểm soát vũ khí và vũ khí hạt nhân, đã kêu gọi chính quyền Biden đảm bảo rằng Riyadh cam kết từ bỏ việc làm giàu và tái chế vật liệu hạt nhân, trích dẫn tuyên bố trước đây của Saudi Arabia rằng nước này sẽ phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran cũng làm như vậy.

Ông nói: “Con đường hướng tới hòa bình ở Trung Đông không nên bao gồm viễn cảnh Saudi Arabia có vũ khí hạt nhân, điều này sẽ làm suy yếu lợi ích của Mỹ, các đồng minh và đối tác trong khu vực”.

Kết luận lại, chuyên gia Maksad đánh giá: “Vẫn sẽ có chỗ cho một thỏa thuận an ninh đa phương mà cuối cùng sẽ bao gồm Israel, cùng với Saudi Arabia, Bahrain, Mỹ và các nước khác, khi hoàn cảnh chính trị cho phép. Sự lựa chọn sẽ thuộc về Israel, khi họ sẵn sàng hướng tới giải pháp hai Nhà nước với người Palestine”.

Bạn đang đọc bài viết "Giải mã về 'thỏa thuận lớn' giữa Mỹ và Saudi Arabia liên quan đến Israel và Gaza" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]