Quyết liệt loại bỏ tồn tại
Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng ý kéo dài thời hạn cảnh báo "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản của Việt Nam đến hết tháng 4/2024. Tuy nhiên, để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5, Việt Nam phải chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển các nước, khai thác hải sản trái phép.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, việc tăng cường quản lý hoạt động nghề cá ngày càng chặt chẽ. Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về chống khai thác thủy sản trái phép để gỡ thẻ vàng IUU, nhiều địa phương đã nỗ lực để khắc phục.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nghề cá phát triển. Toàn tỉnh hiện có 2.716 tàu với gần 15.000 lao động theo nghề đánh bắt trên biển, góp phần phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Với sự quan tâm của người đứng đầu, Ban chỉ đạo (BCĐ) IUU các cấp được thành lập nhanh chóng và giao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh thường trực làm Trưởng ban. Theo ngành dọc, BCĐ IUU cấp huyện, cấp xã cũng hình thành với đầy đủ các ban ngành, lực lượng chức năng liên quan.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cơ quan thường trực IUU chia sẻ: “Từ năm 2018 đến cuối năm 2022, trong các cuộc họp hay những chuyến kiểm tra thực tế, Trung ương đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Và kết quả chống khai thác IUU của Hà Tĩnh cũng thường nằm trong danh sách các tỉnh được biểu dương”.
Theo đó, những tồn tại của nghề cá Hà Tĩnh đã được khắc phục dần. Đến năm 2023, để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh mới và yêu cầu ngày càng khắt khe của EC, Hà Tĩnh kiện toàn lại BCĐ IUU cấp tỉnh, với 17 thành viên, giao cho Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh làm Trưởng ban.
Các lực lượng nòng cốt như Bộ đội Biên phòng, Công an, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý các cảng cá, Sở Thông tin và Truyền thông… được phân công công việc cụ thể để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, không ít đơn vị, địa phương đưa giám đốc sở, chủ tịch huyện vào làm thành viên BCĐ, phát huy vai trò xung kích, đồng hành cùng ngư dân để khắc phục các tồn tại bà con đang gặp phải.
Ý thức ngư dân gỡ thẻ vàng IUU
Ông Chương (trú xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh) là một ngư dân “thâm niên” trong nghề đánh bắt cá. Ông cho hay, trước đây, tàu cá của ông ra vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu tự do, sản lượng hải sản đánh bắt được cũng không khai báo với ngành chức năng. Mỗi chuyến đi tùy thời tiết, 3 lao động của tàu ông Chương thu về từ 50-200kg hải sản, chủ yếu ghẹ và cá.
Sau khi EC khuyến nghị, tất cả tàu cá ra vào cảng, khu neo đậu phải được kiểm soát; truy xuất nguồn gốc hải sản đến từng kg thì tàu cá của ông Chương chấp hành tuyệt đối.
Theo ông, trước mỗi chuyến đi biển, ông sẽ trình sổ khai báo với đồn biên phòng, khi trở về kê khai sản lượng, chủng loại từng loài hải sản đánh bắt được đến ban quản lý cảng cá.
Tại cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà, tàu thuyền neo đậu tại đây không chỉ có ngư dân trong tỉnh mà còn đến từ nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi…
Theo lãnh đạo Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, cách đây khoảng 3-4 năm, ý thức của ngư dân trong việc ghi, nộp nhật ký khai thác gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tàu cá ghi nhật ký kiểu đối phó, không đầy đủ, dù đã được tập huấn rất kỹ càng. Tuy nhiên, bây giờ, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, thậm chí đưa ra chế tài cấm xuất bến với những tàu cá chưa thực hiện đầy đủ thủ tục quy định thì nay đại bộ phận bà con đã thông thạo quy trình “khi đi khai báo, khi về kê khai”.