Với những ai đã xem "Hành tinh cát" (Dune), câu chuyện về một xứ sở toàn cát và nắng nhưng lại sở hữu thứ tài nguyên có thể làm lay chuyển toàn thiên hà là một ý tưởng đầy thú vị.
Trên thực tế, tác phẩm này vay mượn rất nhiều nguồn cảm hứng từ Trung Đông khi nguồn tài nguyên dầu mỏ với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từng làm mưa làm gió trong nền kinh tế toàn cầu.
Giờ đây, khi cuộc cách mạng xanh diễn ra, những nước như Ả Rập Xê Út hay UAE đang hướng đến một nguồn tài nguyên khác có sức mạnh chẳng kém gì dầu mỏ: dữ liệu.
Siêu đế chế
Vào tháng 9/2023, nhà phát triển trung tâm dữ liệu Equinix đã xây dựng cơ sở thứ 4 rộng hơn 7.200 m2 tại UAE ngay giữa sa mạc dưới cái nóng thiêu đốt lên đến hơn 40 độ C. Dù bụi cát có thể gây hư hại cho các thiết bị trị giá hàng triệu USD hay những khó khăn trong chuỗi cung ứng nhưng Equinix vẫn muốn mở rộng thêm các cơ sở này sang tận nước láng giềng Ả Rập Xê Út.
Nguyên nhân thì rất đơn giản, hỗ trợ tài chính của Trung Đông cho các dự án trung tâm dữ liệu, đặc biệt là ở mảng trí thông minh nhân tạo (AI) là quá lớn và hấp dẫn, vượt qua tất cả những rào cản, khó khăn về cái nóng hay sa mạc.
Trên thực tế, hàng loạt những nước giàu có ở Trung Đông đang khởi động cuộc đua xây dựng hàng trăm trung tâm dữ liệu đắt tiền trên sa mạc dưới cái nóng hơn 40 độ C. Dù những cơ sở này không biến bất kỳ nước nào thành cường quốc công nghệ chỉ sau 1 đêm nhưng chắc chắn họ sẽ trở thành những siêu đế chế AI nếu nắm giữ nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ.
Xin được nhắc rằng các nền kinh tế đều muốn xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình không chỉ vì phát triển công nghệ mà còn muốn nắm giữ sự chủ động và cách ly khỏi can thiệp nước ngoài với loại tài nguyên này.
Với Ả Rập Xê Út, nơi nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ thì công nghệ AI đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược "Tầm nhìn 2030" nhằm xác định trở thành nguồn thu mới. Quốc gia này đã thành lập các trung tâm nghiên cứu lớn hay các cơ cấu hành chính chuyên trách về AI.
Tương tự, cả UAE lẫn Ả Rập Xê Út đều đã tích trữ hàng nghìn con chip dùng cho những trung tâm dữ liệu AI. Thậm chí Sam Altman, CEO của OpenAI, cha đẻ của ChatGPT đã gặp gỡ các quan chức và nhà đầu tư UAE để bàn thảo về việc xây dựng một dự án AI lớn chưa từng có.
Đầu tháng 3, UAE đã công bố một quỹ đầu tư AI có tổng trị giá 100 tỷ USD trong khi Ả Rập Xê Út cũng đang đàm phán với Andreessen Horowitz về việc phân bổ khoản ngân sách 40 tỷ USD cho công nghệ này trong vài năm tới.
"Nơi đây khá thân thiện với doanh nghiệp, nền kinh tế thì mạnh, giá điện ổn định khiến chúng tôi có nhiều động lực phát triển", CEO Kamel Al-Tawil của Equinix chi nhánh Trung Đông và Bắc Phi nói.
Hàng trăm tỷ USD
Hiện các nước vùng Vịnh đều đang tụt hậu so với Tây Âu về mảng xây dựng trung tâm dữ liệu nên việc Ả Rập Xê Út hay UAE đổ hàng chục tỷ USD cho mảng này là điều dễ hiểu.
Báo cáo của DC Byte cho thấy tính đến cuối năm 2023, tổng công suất trung tâm dữ liệu của UAE chỉ vào khoảng 235 MW còn Ả Rập Xê Út là 123 MW, kém xa so với 1.060 MW của Đức.
Để thu hẹp khoảng cách, UAE có kế hoạch mở rộng thêm 343 MW công suất trung tâm dữ liệu, còn Ả Rập Xê Út dự định sẽ bổ sung thêm 467 MW trong vài năm tới bằng hàng trăm dự án giữa sa mạc.
Quyết tâm của các nước vùng Vịnh là có cơ sở khi báo cáo của PwC cho thấy tính đến năm 2030, công nghệ AI sẽ đóng góp 96 tỷ USD cho nền kinh tế UAE và 135 tỷ USD cho Ả Rập Xê Út, đưa 2 quốc gia này thành cường quốc dữ liệu AI chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Có một điều khá trớ trêu là UAE và Ả Rập Xê Út dường như đang cạnh tranh nhau ở mảng này dù không một quan chức nào thừa nhận chính thức.
UAE là nước nhỏ hơn nhưng lại có lợi thế đi trước khi bắt đầu xây dựng các trung tâm dữ liệu từ cách đây hơn 20 năm trong dự án "Thành phố Internet" ở Dubai. Hiện nền kinh tế này có khoảng 52 cơ sở dữ liệu đang vận hành.
Thậm chí tập đoàn G42 do UAE hậu thuẫn đang hợp tác với Cerebras Systems để tạo nên sản phẩm chip tùy chỉnh AI nhằm cạnh tranh với Nvidia.
Với Ả Rập Xê Út, dù đi sau nhưng với nguồn lực của mình, nền kinh tế này hiện đang vận hành 60 trung tâm dữ liệu. Rất nhiều cái tên nổi tiếng như Alibaba hay Tencent đã đầu tư vào đây khi nhận thấy tiềm năng của Trung Đông trong mảng này.
Tháng 3/2024, Ả Rập Xê Út công bố thỏa thuận với Amazon khi tập đoàn này cam kết đầu tư 10 tỷ USD xây dựng các trung tâm dữ liệu trên sa mạc.
Điều thu hút các doanh nghiệp không chỉ là nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ mà còn là giá điện. Do nổi tiếng với tài nguyên dầu mỏ nên giá nhiệt điện ưu đãi tại Trung Đông khá thấp, vốn là yếu tố sống còn cho những cơ sở tiêu tốn nhiều năng lượng.
Thách thức
Tất nhiên nguồn cảm hứng của "Xứ Cát" cũng sẽ gặp nhiều thách thức trên con đường xây dựng siêu đế chế AI.
Thách thức lớn nhất là về nhiệt độ bởi các trung tâm dữ liệu tiêu tốn rất nhiều nước để làm mát. Ngoài ra việc vận hành những cơ sở này khiến nhiệt độ máy móc nóng lên rất nhanh, trở thành điều bất lợi với cái nóng hơn 40 độ C ở giữa sa mạc.
Nếu không làm mát được cho thiết bị thì chúng sẽ rất nhanh hỏng. Bởi vậy Ả Rập Xê Út lẫn UAE đang thử nghiệm hệ thống làm mát bằng chất lỏng thay vì quạt gió như trước đây.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực cũng là một vấn đề khi Trung Đông phần lớn nhập khẩu lao động trình độ thấp về làm việc và xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm lại phân vân khi đến xứ sở đầy cát và nắng này dù được trả mức lương hậu hĩnh.
Bất chấp những khó khăn này, cả UAE lẫn Ả Rập Xê Út đều tích cực chi tiền mạnh tay hơn nữa cho AI và dữ liệu bởi họ hiểu rằng một ngày nào đó tài nguyên dầu mỏ sẽ hết hoặc mất đi vị thế trước các nguồn năng lượng mới. Do đó việc tìm kiếm một nguồn thu mới là điều bắt buộc.
*Nguồn: Tổng hợp