Những năm gần đây, việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm giá trị gia tăng của nông sản, nâng cao năng lực chế biến được xem như một lời giải của bài toán “được mùa, mất giá" trong ngành nông nghiệp nước ta.
Từ loại cây tiềm năng nhưng không bán được dẫn đến bị nông dân chặt bỏ, Công ty Cổ phần Thực phẩm GC (GC Food) đã đưa cây nha đam vào nhà máy, đi từ thị trường nội địa đến quốc tế, thu về hàng tỷ đồng mỗi ngày. Hiện, công ty đang là doanh nghiệp sản xuất nha đam dẫn đầu thị trường Việt Nam với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm, có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tài sản tăng vọt sau khi lên sàn chứng khoán
Thành lập năm 2011, GC Food hoạt động dưới hình thức công ty TNHH với số vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng. Năm 2017, công ty chuyển đổi sang công ty cổ phần, vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi là 50 tỷ đồng. Sau đó, công ty liên tục tăng vốn điều lệ, vào giữa năm 2021, vốn điều lệ của công ty nâng lên 260 tỷ đồng.
Liên tục tăng vốn điều lệ, sau hơn một thập kỷ kinh doanh, năm 2022, GC Food chính thức đưa hơn 26 triệu cổ phiếu GCF, trị giá 260 tỷ đồng vào giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 31/4/2024, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT công ty nắm giữ 40% cổ phần tương đương với 12,27 triệu cổ phiếu GCF. Trong khi đó, vợ ông Thứ là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Thành viên HĐQT kiêm Trưởng phòng Truyền thông của GC Food, sở hữu 1,62%, tương đương 49.700 cổ phiếu.
Với đà tăng của cổ phiếu trong thời gian gần đây, tài sản của ông Nguyễn Văn Thứ đang trực tiếp nắm giữ khoảng 245 tỷ đồng. Như vậy, nếu so với ngày đầu cổ phiếu niêm yết trên UPCoM, chỉ sau hơn một năm trên sàn chứng khoán, tài sản của Chủ tịch HĐQT GC Food đã tăng khoảng 66%.
Dù thị giá tăng trưởng, song thanh khoản cổ phiếu GCF còn ở mức thấp với nhiều phiên không có giao dịch. Liên quan đến vấn đề trên, GC Food đã thông qua kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HoSE từ năm 2023 với kỳ vọng đây là cơ hội để bước lên một vị thế mới. Tuy nhiên kế hoạch trên đã phải hoãn lại do tình hình chưa thuận lợi.
Mặt khác, theo quy định thì sau 2 năm giao dịch trên UPCoM thì doanh nghiệp có thể xin niêm yết trên HoSE nên dự kiến đến hết 2024 và quý I/2025, GCF sẽ đủ điều kiện để chuyển sàn.
Do đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, GCF dự tính 2 phương án. Thứ nhất, sẽ chuyển niêm yết sang HoSE vào quý I/2025 nếu đủ điều kiện. Thứ hai là chờ phương án sáp nhập sàn HNX vào HoSE, khi đó, cổ phiếu sẽ tự động chuyển sàn theo quy định.
Tham vọng của “Vua nha đam”
Về tình hình kinh doanh của công ty, kể từ khi công bố kết quả hoạt động kinh doanh vào năm 2020, doanh thu của "Vua nha đam" liên tục tăng trưởng, từ 210 tỷ đồng vào năm 2020 lên 474 tỷ đồng vào năm 2023, tương đương tăng hơn 2 lần sau 4 năm.
Song, bức tranh lợi nhuận của công ty trong giai đoạn trên dường như bị chững lại sau đỉnh lãi 35 tỷ đồng được lập vào năm 2021, tăng 2,6 lần so với năm trước đó. Đến năm 2022 và 2023, công ty ghi nhận lãi quanh mức 26,5 tỷ đồng. Nguyên nhân do biên lợi nhuận năm 2021 được cải thiện lên 28,4% do diễn biến tích cực này là nhờ giá nha đam thô đầu vào không biến động mạnh như trong năm 2020.
Trước đà tăng trưởng trên, năm 2024, GC Food đạt mục tiêu doanh thu thuần là 573 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi lên 52 tỷ đồng so với thực hiện năm 2023.
Chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng tham vọng trên, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, GC Food đẩy mạnh phát triển bền vững, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu nha đam từ 200 ha hiện tại lên khoảng 500ha để đảm bảo luôn chủ động về nguyên liệu cho sản xuất. Theo kế hoạch mỗi ngày GC Food sẽ đưa vào sản xuất 200-250 tấn lá nha đam.
Ngoài ra, GC Food cũng đã nghiên cứu cấy mô cây nha đam góp phần giảm chi phí giá nguyên liệu. 2 nhà máy chế biến thạch dừa và nha đam của công ty này đang được mở rộng và nâng công suất gấp đôi. Bên cạnh đó, GC Food còn đầu tư sản phẩm mới hóa mỹ phẩm trên chất liệu nha đam và đầu tư nhà máy sản xuất nước giải khát đóng chai từ nha đam, thạch dừa và trái cây.
Ngoài các thị trường chủ lực là Hàn Quốc, Nhật Bản, GC Food sẽ mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia tiềm năng có dân số lớn, giới trẻ chiếm trên 40% như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.
Ngay trong quý I/2024, "Vua nha đam" GCF ghi nhận tình hình kinh doanh ổn định, với doanh thu thuần đạt 119 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, do sản lượng tăng, tương đương thu gần 40 tỷ đồng mỗi tháng hay gần 1,3 tỷ đồng mỗi ngày.
Khấu trừ giá vốn và chi phí, GC Food báo lãi 7,4 tỷ đồng, tăng 18%. Đây là quý đầu năm ghi nhận có lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Như vậy, kết thúc quý I/2024, GC Food đã hoàn thành 21% mục tiêu doanh thu và 15% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Biến động sau đà tăng của cổ phiếu
Trong bối cảnh kinh doanh khởi sắc với nhiều kỳ vọng được đưa ra bởi lãnh đạo công ty, cổ phiếu GCF cũng “đón đà" tăng mạnh. Theo đó, mở cửa phiên 24/5, thị giá GCF ở mức 21.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% từ đầu năm.
Song, trong đà tăng trên, công ty lại ghi nhận nhiều biến động từ phía cổ đông lớn. Theo đó, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM) vừa thông báo đã hoàn tất bán ra toàn bộ 5,9 triệu cổ phiếu GCF, tương đương 19,23% vốn của GC Food.
Giao dịch được thực hiện vào ngày 17/5 theo phương thức thỏa thuận với giá trị hơn trăm tỷ đồng, tương ứng giá thoả thuận bình quân 17.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng thời gian trên, công ty có thêm 2 cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Minh Tú và ông Đoàn Minh Quân sau khi 2 người hoàn tất giao dịch mua cổ phiếu. Cụ thể, bà Tú đã mua 2,96 triệu cổ phiếu GCF để nâng sở hữu lên 4,38 triệu cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ 14,22%. Tương tự, ông Đoàn Minh Quân đã mua 2,94 triệu cổ phiếu GCF, nâng tỉ lệ sở hữu 9,58%.
Sau biến động lớn về cơ cấu cổ đông, cổ phiếu GCF đã ghi nhận tín hiệu giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch cùng ngày, giao động trong khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, giảm 5,6% so với số tham chiếu.