Iran và Israel: Từ đối tác thân cận đến kẻ thù "truyền kiếp"

18/04/2024 20:12

() - Từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, mối quan hệ giữa Tehran và Tel Aviv liên tục xấu đi, thậm chí tiến tới bờ vực chiến tranh.

Iran và Israel: Từ đối tác thân cận đến kẻ thù truyền kiếp - 1

Các thành viên quân đội Israel đứng bên cạnh một xác tên lửa của Iran rơi xuống hồi cuối tuần qua (Ảnh: AFP).

Khi bóng ma chiến tranh giữa Iran và Israel vẫn đang lơ lửng trên bầu trời Trung Đông, khó có thể tưởng tượng rằng chỉ nửa thế kỷ về trước, hai quốc gia là đối tác thân cận. Vào giữa thế kỷ XX, lực lượng an ninh Iran thậm chí từng được tình báo Israel (Mossad) đào tạo, theo Al Jazeera.

Tuy nhiên, kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979, quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ đối tác thành kẻ thù "không đội trời chung.

"Cuộc cách mạng Hồi giáo là bước chuyển lớn trong lịch sử Iran hiện đại, đem đến thay đổi lớn cả trong tình hình nội bộ lẫn tầm nhìn đối ngoại. Trong số các nước bị phong trào cách mạng coi là đáng trách, Israel mang nhiều 'tội' hơn bất cứ quốc gia nào", giáo sư David Menashri, chuyên gia về Iran tại Đại học Tel Aviv (Israel), viết trên trang web của Trung tâm Wilson (Mỹ).

Đối tác trong lịch sử

Dưới triều đại Pahlavi tại Iran (trị vì trước cách mạng Hồi giáo), quan hệ giữa Iran và Israel tương đối thân thiện. Iran thậm chí là quốc gia Hồi giáo thứ hai (sau Thổ Nhĩ Kỳ) công nhận Tel Aviv sau khi lập quốc.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Eirik Kvindesland tại Đại học Oxford (Anh), động thái của Tehran nhằm bảo vệ tài sản của nước này tại Israel, cũng như bảo vệ khoảng 2.000 công dân Iran đang sinh sống tại đây. Nhiều người trong số đó bị quân đội Israel tịch thu tài sản. Trong khi đó, việc "khơi thông" quan hệ với Iran giúp nhà nước Do Thái non trẻ thoát cảnh "đơn độc" giữa Trung Đông thù địch.

"Để phá thế cô lập tại Trung Đông, Thủ tướng Israel (lúc bấy giờ) David Ben-Gurion thúc đẩy quan hệ với các quốc gia phi Ả Rập ở rìa Trung Đông", ông Kvindesland nói với Al Jazeera. "Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những ví dụ thành công nhất".

Quan hệ giữa hai nước trải qua thời kỳ căng thẳng ngắn sau khi Thủ tướng Mohammad Mosaddegh, người có tư tưởng dân tộc, nắm quyền tại Iran năm 1951. Tình hình chỉ thay đổi sau khi ông Mosaddegh bị Anh và Mỹ lật đổ năm 1953.

Quan hệ song phương phát triển cả về chính trị lẫn thương mại: Iran là một trong những nguồn cung dầu chính cho Israel. Hai bên cũng phát triển quan hệ quân sự, nhưng ít được đề cập đến nhằm tránh phản ứng từ các nước Ả Rập.

Iran và Israel: Từ đối tác thân cận đến kẻ thù truyền kiếp - 2Một cuộc họp giữa các quan chức quân sự Israel và Iran năm 1975 (Ảnh: Times of Israel/Wikimedia Commons).

"Israel cần Iran hơn là Iran cần Israel", ông Kvindesland nhận xét. "Israel cần đối tác ở Trung Đông, nơi tương đối bài Israel".

Cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đã khiến mối quan hệ Iran - Israel đảo chiều hoàn toàn. Chính quyền mới tại Tehran cho rằng Tehran cần đứng lên chống lại các cường quốc và đồng minh tại khu vực. Với thế giới quan mới, Mỹ và Israel bị coi là kẻ thù hàng đầu.

Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, hủy bỏ các đường bay thẳng và ngừng cho phép công dân hai bên thăm lẫn nhau. Tòa nhà đại sứ quán Israel tại Tehran trở thành đại sứ quán Palestine.

Theo ông Trita Parsi, Phó Chủ tịch điều hành viện nghiên cứu Quincy (Mỹ), cho rằng Ayatollah Ruhollah Khomeini, nhà lãnh đạo Iran sau năm 1979, muốn biến vấn đề Palestine trở thành một phần của phong trào Hồi giáo - thay vì chỉ dựa trên chủ nghĩa dân tộc Ả Rập.

"Để vượt qua sự chia rẽ giữa người Ả Rập và người Ba Tư, cũng như chia rẻ Sunni-Shia, Iran có lập trường mạnh mẽ hơn trong vấn đề Palestine. Qua đó, họ tạo dựng uy tín trong thế giới Hồi giáo cũng như đưa các chính quyền Ả Rập thân Mỹ vào thế phòng thủ", ông Parsi nói.

Đối đầu nhiều mặt trận

Khi cả Iran và Israel đều tìm cách củng cố quyền lực và ảnh hưởng tại khu vực trong những thập kỷ sau đó, mối thâm thù giữa hai nước ngày càng sâu đậm.

Ngoài Palestine, Iran được cho là còn hỗ trợ nhiều nhóm vũ trang khu vực tại Syria, Iraq, Li Băng và Yemen. Mạng lưới thân Iran này đều có điểm chung: Coi Israel là kẻ thù số một. Trong khi đó, Tel Aviv cũng ủng hộ hàng loạt tổ chức chống chính quyền Tehran.

Căng thẳng giữa Israel và Iran không chỉ được thể hiện qua khác biệt hệ tư tưởng và các cuộc chiến ủy nhiệm. Cả hai nước được cho đã đứng sau hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào đối phương cả trong và ngoài lãnh thổ của nhau - điều hai bên đều phủ nhận.

Iran và Israel: Từ đối tác thân cận đến kẻ thù truyền kiếp - 3Một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tại Tehran, hôm 14/4 (Ảnh: Reuters).

Chương trình hạt nhân của Iran là một trong những mục tiêu công kích hàng đầu. Israel - nước được cho cũng đã bí mật phát triển vũ khí hạt nhân - từng tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép Iran phát triển loại vũ khí này. Trong khi đó, Iran nói chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Israel và Mỹ bị tình nghi đứng sau Stuxnet, loạt virus máy tính đã gây thiệt hại nặng cho các cơ sở hạt nhân của Iran vào những năm 2000. Các cơ sở này cũng nhiều lần bị tấn công - Iran tuyên bố Israel là thủ phạm. Ngoài ra, Israel cũng bị cáo buộc ám sát hàng loạt nhà khoa học hạt nhân Iran.

Tháng 11/2020, ông Mohsen Fakhrizadeh - một trong những chuyên gia hàng đầu - bị một khẩu súng máy tự động sát hại ngay trên đường phố Iran. Đầu tháng 12 cùng năm, CNN dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Israel đứng sau vụ ám sát.

Theo ông Parsi, những nguyên nhân gắn kết Iran và Israel trong thế kỷ trước - mối quan ngại chung với chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và phần nào đó là Liên Xô - đã không còn nữa. Điều này sẽ càng khiến Tehran và Tel Aviv khó phục hồi quan hệ.

"Trong cuộc cạnh tranh giành sự thống trị và quyền lực ở khu vực, hai nước đã bị kéo vào một cuộc chiến cường độ thấp trong hơn một thập kỷ trở lại đây", vị chuyên gia nói.

Bạn đang đọc bài viết "Iran và Israel: Từ đối tác thân cận đến kẻ thù "truyền kiếp"" tại chuyên mục ASEAN NEWS. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]