Ngày 6/5, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp nghe báo cáo kết quả triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách trong cao điểm mùa khô năm 2024 trên địa bàn.
Nắng nóng tiếp tục gay gắt
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2024, nắng nóng gay gắt, khô hạn diễn ra trên diện rộng, vật liệu cháy trong các khu rừng rất khô, dễ bén lửa; các ao, hồ, sông, suối trong rừng,... đã cạn nước.
Theo bản tin dự báo thời tiết và cấp cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì toàn bộ diện tích rừng của tỉnh cảnh báo cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiêm - có khả năng cháy lớn và lan tràn lửa nhanh).
Đồng thời, qua kiểm tra thực tế tại các khu rừng, các kênh rừng đã cạn nước, vật liệu cháy tích tụ nhiều năm đã khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy lớn với tốc độ lan tràn lửa nhanh, không thể kiểm soát.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024 cũng như tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh, các lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng, các cơ quan, đơn vị có liện quan, UBND cấp xã đã tổ chức họp dân được 29 cuộc, có 805 lượt người tham dự. Hướng dẫn 906 hộ gia đình sống gần rừng, ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô năm 2024. Tổ chức 15 lớp tập huấn PCCCR có 555 lượt người dự.
Ngoài ra, thường xuyên thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng trên các đài truyền thanh cấp huyện, xã khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III.
Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng theo phương án được duyệt: Cày, ủi đường băng cản lửa với tổng diện tích là 623 ha. Đắp, gia cố 48 đập giữ nước, 06 cống điều tiết nước; nạo vét giếng khơi trữ nước, bố trí 56 bồn, bể trữ nước (từ 02 - 12m3 nước/bồn, bể) tại các khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Toàn tỉnh đã bố trí 95 trạm, chốt, lán trại, với 517 lực lượng; 158 máy bơm các loại; 63 máy bơm áp lực; 74 máy thổi gió; 141 máy đeo vai các loại; 98 bộ vỏ máy; 2.951 cuộn vòi; 373 cuộn dây bơm áp lực;10 ống nhòm; 61 bộ đàm; 26 máy định vị GPS; 464 bàn dập lửa; 07 cưa xăng; 50 chòi canh lửa; 01 kobe; 01 máy vớt cỏ; 01 xuồng chữa cháy chuyên dụng; 02 xe bồn chữa cháy chuyên dụng; 01 máy cày; 02 xe tải; 02 xe bán tải, và 912 dụng cụ thô sơ.
Triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy
Nhận định tình hình tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều địa phương, trọng điểm là hệ sinh thái rừng tràm, rừng tiếp giáp đất nông nghiệp, vườn rẫy, rừng ở các xã đảo, nhất là những nơi có quy hoạch phát triển du lịch có nhiều diễn biến phức tạp,...
Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đến hết mùa khô năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và đơn vị liên quan, địa phương đẩy mạnh giải pháp công trình và hoàn thành sớm cống Hòa Điền và kênh đê bao Thứ Bảy (huyện U Minh Thượng), nạo, vét kênh, mương để giữ nước.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại, trong đó lưu ý các công trình đầu tư trang thiết bị đến thời điểm này còn phù hợp với tình hình thực tế hay không, cần phải đầu tư thêm gì, để đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ cho lực lượng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và nghiêm cấm sử dụng lửa trong rừng và gần rừng, nhất là việc đốt đồng ruộng, nương rẫy; tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng ứng cứu dập tắt đám cháy mới phát sinh, cương quyết không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị chủ rừng trong việc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, gây cháy rừng,…
Theo đó các huyện, thành phố có rừng và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đặc biệt, bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.