Kon Tum: Nỗ lực bảo vệ "báu vật" của buôn làng

06/05/2024 12:16

Với người Xơ Đăng, "cụ sao" có tuổi đời hàng trăm năm được xem là hiện thân của "thần linh". Chính vì vậy, người dân cùng lực lượng bảo vệ rừng ngày đêm canh giữ.

“Cụ sao” trăm tuổi

Tại huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), nằm sâu thẳm bên trong lõi những cánh rừng nguyên sinh có một cây sao cổ thụ có niên đại hàng trăm năm tuổi. Theo lực lượng bảo vệ rừng, trong hàng ngàn héc ta rừng được giao cho đơn vị quản lý, đây là “cụ sao” đặc biệt quý hiếm còn sót lại theo thời gian.

Với người dân địa phương, họ xem “cụ sao” là tâm linh kỳ bí, là hiện thân của Yàng (thần linh) che chở, đem đến cho người làng cuộc sống bình yên.

Cũng bởi “cụ sao” là “độc nhất vô nhị”, nhiều năm qua đám “lâm tặc” luôn hăm he, có lần đã dùng cưa xăng đốn nhưng bất thành. Chính vì vậy, ngày nay, để giữ cây sao trường tồn, người làng phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng ngày đêm canh gác, bảo vệ như một báu vật trời ban.

Để mục sở thị cây sao hàng trăm năm tuổi, chúng tôi theo chân nhóm nhân viên bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, đi tuần tra quanh khu vực rừng có cây sao cổ thụ.

Dân sinh - Kon Tum: Nỗ lực bảo vệ 'báu vật' của buôn làng

Người làng cùng với chính quyền địa phương chung tay giữ gìn, bảo vệ cây sao trăm tuổi.

Dọc đường đi, anh A Thái, Phó trưởng Phân trường 2 (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) cho biết, mỗi tháng đơn vị sẽ triển khai 4 lần đi tuần tra bảo vệ rừng. Tổ tuần tra thường đi theo nhóm từ 3 - 4 người. Mỗi chuyến hành trình, mọi người phải chuẩn bị đầy đủ tư trang, gùi theo đủ các vật dụng như xoong nồi, gạo, thức ăn, để ăn ngủ giữa rừng trong 5 ngày.

Anh A Thái kể công việc tuần rừng vô cùng vất vả, đặc biệt là mùa mưa. Những cơn mưa rừng xối xả, đường trơn trượt, đi rất khó khăn, vất vả. Khó nhất là giữa mùa mưa phải dựng lều, đốt lửa để nấu cơm, hoặc đun nước để ăn uống. Nếu không có kinh nghiệm thì khó mà thực hiện được bởi lá cây thì ướt, củi thì ẩm không dễ để nhóm lửa.

Theo lời anh Thái, trong hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ rừng, đã không ít lần các nhân viên bảo vệ rừng chạm mặt “lâm tặc”.  Có những đối tượng rất hung hăng, khi bị lực lượng tuần tra phát hiện sẵn sàng dùng dao, gậy để tấn công tìm đường chạy thoát. Bên cạnh đó, quá trình di chuyển trong rừng gặp rất nhiều rủi ro.

Dân sinh - Kon Tum: Nỗ lực bảo vệ 'báu vật' của buôn làng (Hình 2).

Cây sao cổ thụ từng bị "lâm tặc" dùng cưa cắt một bên thân để hạ cây nhưng bất thành.

Tiếp lời anh Thắng, anh Võ Văn Lĩnh, người có thâm niên 5 năm làm công tác quản lý bảo vệ chia sẻ, tại khu vực này đã có một vài trường hợp người dân đi rừng bị rắn cắn, ong đốt đến tử vong. Nhưng gian nan, nguy hiểm, sợ nhất là khi đối đầu giáp lá cà với “lâm tặc”.  “Hôm rồi có cán bộ kiểm lâm ở Đắk Lắk bị bắn chết khi đi tuần một mình ở khu vực “điểm nóng” khiến chúng tôi cũng có phần lo lắng", anh Lĩnh nói.

Đi ở phía sau, anh A Phương (38 tuổi) cũng lên tiếng, có lần anh cùng tổ tuần tra thực hiện chặn bắt phương tiện đang vận chuyển gốc gỗ từ trong rừng ra. Ngày hôm sau, đối tượng "lâm tặc" trên tìm đến nhà anh Phương quậy phá đòi lại cây gỗ. Anh Phương điện thoại liên hệ công an xã đến nhà để giải quyết. Nghe có lực lượng chức năng, đối tượng liền vùng vằng bỏ đi.

Sau gần 1 tiếng đi bộ, cả đoàn cũng đến được vị trí cây sao cát trăm tuổi. Anh Thái giới thiệu cây sao có đường kính hơn 4 mét, cao 35m và phải hơn 10 người lớn mới ôm hết thân cây. Cho đến hiện tại, cây sao cát này được xem là cây có đường kính thân lớn nhất trong lâm phần do công ty quản lý.

Cùng tham gia bảo vệ khu rừng này, anh A Gon (38 tuổi) cho hay, dân làng Đắk Chờ chẳng ai nhớ nổi cây sao cát trong lâm phần do cộng đồng làng bảo vệ có từ khi nào.

Họ chỉ biết rằng, đã bao đời nay khi lên rừng săn bắt, hái lượm dân làng đã thấy cây sao cát đứng ở đó sừng sững như cột chống trời. Những lớp người cứ già đi rồi về với Yàng (thần linh), còn cây sao cát kia vẫn tồn tại như một vị thần rừng chở che, bảo vệ cho dân làng.

Dân sinh - Kon Tum: Nỗ lực bảo vệ 'báu vật' của buôn làng (Hình 3).

Hàng năm, người dân làm lễ cúng như dưới gốc cây như một lời cảm ơn gửi đến Yàng (thần linh).

Báu vật của buôn làng

Theo anh Gon, trước đây, cây sao bị một nhóm lâm tặc tìm đến tổ chức đốn hạ. Không hiểu vì nguyên nhân gì, lưỡi cưa của nhóm lâm tặc chỉ lẹm và thân cây khoảng chừng 1 gang tay rồi dừng lại không thể ăn sâu thêm nữa. Dù nhóm người xấu đã đưa nhiều đường cưa, nhưng đều bất lực.

Biết được tin cây sao cổ thụ đang có nguy cơ bị đốn hạ, người làng Đắk Chờ kéo nhau đến đuổi nhóm lâm tặc để bảo vệ cây thiêng. Cũng từ đó trở đi, cây sao trăm tuổi mang trên mình vết sẹo sâu hoắm. Dân làng Đắk Chờ cũng thay nhau bảo vệ cây sao và coi đây như là nơi trú ngụ của thần rừng.

Người Xơ Đăng nơi đây gọi cây sao cổ thụ trên là cây của Yàng (thần linh), không ai dám cưa hạ. Ở gốc cây, cách mặt đất khoảng 1m, có 3 vết cưa lớn, ăn sâu vào thân gỗ. Người dân trong làng đem đến 1 lư hương đặt ở “vết thương” của gốc cây và thường xuyên cúng bái tỏ lòng thành kính như đối với một vị thần rừng.   

Dân sinh - Kon Tum: Nỗ lực bảo vệ 'báu vật' của buôn làng (Hình 4).

Người làng coi cây sao cổ thụ là hiện thân của Yàng (thần linh) bao bọc, che chở cho buôn làng.

Cận Tết là thời điểm lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô phải căng mình trong công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát lâm sản và động vật rừng. Bên cạnh đó, là kiểm tra rừng và truy quét lâm tặc tại các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại, khai thác lâm sản trái pháp luật, cũng như phòng cháy chữa cháy rừng. Đây là thời điểm nhạy cảm mà lâm tặc thường nhắm tới để phá rừng.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô cho biết, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ khoảng quản lý khoảng 24.000ha đất và rừng tự nhiên. Lâm phần của công ty nằm trên địa phận 3 huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Sa Thầy.

Cũng theo ông Chung, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đo, kiểm tra, phân tích tuổi thật sự của cây sao cát này. Ước tính, giải tích sinh trưởng từ tâm cây ra hơn 2.000 ly, về năm tuổi thật sự từ 250 năm trở lên. Tuy nhiên, người dân địa phương quen gọi là cây sao ngàn năm tuổi.

Từ nhiều năm qua, cây sao cát này được người dân, chính quyền địa phương và công ty lâm nghiệp bảo vệ tuyệt đối, không bị xâm hại. Người dân thường xuyên tổ chức các nhóm tuần tra, bảo vệ cây 24/24, tránh kẻ xấu nhòm ngó.

Bạn đang đọc bài viết "Kon Tum: Nỗ lực bảo vệ "báu vật" của buôn làng" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]