Mật lệnh cuối cùng của Hòa Thân trước khi tự vẫn: Cứu được cả gia tộc khỏi họa diệt vong suốt trăm năm

08/05/2024 00:30

Hòa Thân biết trước được kết cục của mình nên đã ra 2 mật lệnh trước khi tự vẫn tại phủ.

Hòa Thân là một trong số ít những trọng thần được Hoàng đế Càn Long sủng ái hết mực. Mấu chốt là người này có tài, biết làm thơ, lại giỏi thư pháp, nằm lòng Tứ thư cùng Ngũ kinh và còn có thể giải quyết vấn đề cho Hoàng đế Càn Long vào những thời điểm quan trọng nên địa vị của Hòa Thân được thăng tiến rất nhanh. 

Hòa Thân lắm tài là thế nhưng cũng không ít tật. Cái "tật" của Hòa Thân biến người này trở nên "nổi tiếng ngược" trong lịch sử Trung Quốc khi là một đại tham quan, chuyên vơ vét của cải của dân và triều đình.

Để rồi phải nhận kết cục đắng cay: Bị Hoàng đế Gia Khánh xử tự vì tội biển thủ 1 tỷ lượng bạc - con số này ngang với quốc khố của đại Thanh thu trong 15 năm. Do đoán trước vận mệnh của mình, Hòa Thân đã giúp gia tộc tội thoát chết nhờ 2 mật lệnh trước khi chết. 

Mật lệnh trước khi chết của Hòa Thân

Hòa Thân sinh vào năm Càn Long thứ 15 (năm 1750) trong một gia đình rất nghèo. Vì không muốn cái nghèo bủa vây nên ông sớm có tham vọng và tin chắc rằng bản thân sẽ sớm được vào cung hầu hạ hoàng đế.

Để khiến bản thân trở nên được trọng dụng, Hòa Thân sớm học và nghiên cứu rất kỹ 4 thứ tiếng là Mãn Châu, tiếng Hán, tiếng Mông Cổ và tiếng Tây Tạng. Cả Tứ thư, Ngũ kinh cũng đều được Hòa Thân học thuộc, nằm lòng. Sự thông minh, chăm chỉ, khiêm nhường của Hòa Thân thời trẻ khiến các thầy trong Hàm An cung vô cùng hài lòng.

Năm Hòa Thân 18 tuổi, dù trong tay chưa có gì nhưng vẫn được Tổng đốc Phùng Anh Liêm gả con gái cho. Từ đó về sau, con đường làm quan của Hòa Thân như diều gặp gió, thăng tiến không ngừng.

4 năm sau ngày lấy vợ, Hòa Thân liên tục nhận nhiều chức vị khác nhau trong triều, trong đó có chức Tam đẳng Thị vệ, có thể đàm đạo với Càn Long do tinh thông Luận ngữ (do Khổng Tử và đệ tử biên soạn).

Mấu chốt giúp Hòa Thân dễ dàng khiến Hoàng đế hài lòng là vì ông ta có năng lực trí tuệ cảm xúc rất cao. Vì thấu hiểu bệ hạ qua việc quan sát nét mặt, ánh mắt của người nên Hòa Thân chỉ nói những lời ngon ngọt khiến Càn Long cảm thấy thích thù khi đàm đạo với người này.

Chốn quan trường đã biến Hòa Thân từ một người trung thành, chăm chỉ trở nên nhiều tham vọng và mưu mẹo hơn. Chưa đầy 6 năm nhập cung, Hòa Thân thăng tiến không ngừng và nhanh chóng rơi vào vòng xoáy của quyền lực.

Khi đối phó với những quan tham, Hòa Thân bị lóa mắt bởi những thỏi vàng, bạc lớn bị biển thủ. Từ đó, con đường tham nhũng, vơ vét của cải bắt đầu. Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong nhân gian truyền một câu nói rằng: "Cái Càn Long có, Hòa Thân có. Cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có".

Mật lệnh cuối cùng của Hòa Thân trước khi tự vẫn: Cứu được cả gia tộc khỏi họa diệt vong suốt trăm năm- Ảnh 1.

Của cải của Hòa Thân nhiều không kể xiết. Ảnh nhân vật Hòa Thân trong phim.

Sinh thời, Càn Long hết mực che chở cho Hòa Thân, thường nhắm mắt cho qua những việc làm nhũng nhiễu của người này. Nhưng chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, ông lập tức sai quân lục soát nhà đại tham quan và tìm thấy 1 tỉ lượng bạc.

Lệnh vua ban xuống: Xử lăng trì Hòa Thân, tịch thu toàn bộ tài sản. 

Đến cuối cùng, người này vẫn được Càn Long che chở. Nhờ ba chữ "Cho toàn thây" mà Hòa Thân thoát hình phạt lăng trì và được phép tự vẫn tại phủ.

Vốn biết bản thân mang nhiều trọng tội, con cháu khó thoát khỏi họa diệt vong nên trước khi tìm đến cái chết, Hòa Thân gọi con cháu và ban hành 2 mật lệnh nhằm giúp gia tộc bình an vô sự về sau.

Mật lệnh thứ nhất: Hủy bỏ gia phả

Hòa Thân vốn lo sợ triều đình sẽ truy tìm và tận diệt gia tộc của mình một khi Hoàng đế Gia Khánh ban lệnh tru di cửu tộc. Do đó, mục đích của mật lệnh thứ nhất nhằm xóa sạch dấu vết tên tuổi của con cháu Hòa Thân, để họ không bị truy sát về sau.

Mật lệnh thứ hai: Phá bỏ từ đường

Sau khi xóa bỏ gia phả, Hòa Thân ra mật lệnh phá bỏ nốt từ đường (nhà thờ họ) để con cháu không phải lộ diện để thờ cúng. Điều này cốt để gia tộc và hậu duệ của Hòa Thân ẩn danh tuyệt đối, và có được cuộc sống như những người bình thường.

Bên cạnh phá bỏ từ đường, Hòa Thân nghiêm cấm con cháu xây dựng từ đường mới trong bất cứ hoàn cảnh nào. Việc này cốt để tránh sự truy sát dai dẳng của triều đình nhiều năm sau.

Nhờ 2 mật lệnh trước khi chết, gia tộc và con cháu hàng trăm năm sau của Hòa Thân được bảo toàn tính mạng, sống cuộc đời bình yên mà không phải chịu tội mà Hòa Thân đã gây ra cho triều đình.

Tham khảo: 163

Bạn đang đọc bài viết "Mật lệnh cuối cùng của Hòa Thân trước khi tự vẫn: Cứu được cả gia tộc khỏi họa diệt vong suốt trăm năm" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]